Giáo xứ Vinh Hương

Con cái chúng ta biết làm dấu thánh giá không?

Thứ năm - 06/03/2014 22:19







Bài giảng thứ tư Lễ Tro (05/03) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
 




Anh chị em thân mến
 
Hôm nay, thứ Tư Lễ Tro, khởi đầu cuộc hành trình Mùa Chay bốn mươi ngày để dẫn chúng ta đến Tam Nhật Vượt Qua, tưởng niệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa, trung tâm của mầu nhiệm cứu độ. Mùa Chay chuẩn bị cho chúng ta thời điểm quan trọng này, do vậy đây là  thời gian chính yếu, một bước ngoặt có thể giúp mỗi người biến đổi. Tất cả chúng ta cần phải trở nên tốt hơn. Mùa chay giúp chúng ta, và vì vậy chúng ta phải thoát ra khỏi những thói quen chán nản và mệt mỏi, thoát khỏi những tập quán lười biếng trước cạm bẫy của sự dữ. Trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hai điều quan trọng: ý thức hơn về công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, và dấn thân sống bí tích rửa tội nhiều hơn nữa.
 
Ý thức hơn về những mầu nhiệm Chúa đã thực hiện để cứu rỗi chúng ta, thúc đẩy tâm trí có thái độ tạ ơn Thiên Chúa vì những gì Ngài đã ban cho chúng ta, vì tất cả những gì Ngài thực hiện cho dân mình và tất cả nhân loại. Đây là điểm khởi đầu của sự biến đổi để cảm tạ những mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa. Khi khám phá tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, chúng ta cảm thấy ước mong gần gũi Ngài: đây chính là sự biến đổi.
 
Và lời mời gọi thứ hai: Sống trọn vẹn bí tích rửa tội, nghĩa là không được sống trong tình trạng suy thoái và đau khổ mà chúng ta gặp phải trong hành trình cuộc sống. Nguy cơ là chúng ta thụ động chấp nhận một vài hành xử nhất định và không hề ngạc nhiên khi đối mặt với những thực tế đáng buồn xung quanh. Chúng ta đã quen với bạo lực như thể đó là một tin tức bình thường hàng ngày; chúng ta trở nên thờ ơ với việc nhìn thấy những anh chị em vô gia cư đang ngủ trên đường phố; chúng ta quá quen khi nhìn thấy người tị nạn cần tìm tự do và phẩm giá mà không được chấp nhận; chúng ta quá quen thuộc với cuộc sống trong một xã hội từ chối Thiên Chúa, ở đó cha mẹ không dạy con cái cầu nguyện hay làm dấu thánh giá. Tôi hỏi anh chị em: con cái anh chị em có biết làm dấu thánh giá không? Hãy suy nghĩ xem. Cháu chắt anh chị em có biết làm dấu thánh giá không? Anh chị em có chỉ bảo cho chúng không? Hãy phản tỉnh và trả lời trong trái tim mình. Chúng có biết cách cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha không? Chúng có biết đọc kinh Kính Mừng để cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria không? Hãy suy nghĩ về điều đó và tự trả lời. Tập quán dễ dàng dẫn đến hành vi phi Kitô giáo này đang mê hoặc tâm hồn chúng ta!
 
Mùa chay nối kết chúng ta như một thời điểm tất yếu để biến đổi, để khôi phục lại khả năng đáp ứng với thực tế của sự dữ đang thách thức chúng ta. Mùa chay phải được sống như một thời điểm chuyển đổi, đổi mới cá nhân và cộng đoàn bằng cách gần gũi Thiên Chúa và tin vào Tin Mừng. Bằng cách này, mùa chay cũng cho phép chúng ta nhìn nhận anh em và những nhu cầu của họ bằng một nhãn quan mới. Đây là lý do tại sao mùa chay là thời điểm thuận lợi để chúng ta tự biến đổi cho phù hợp với lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân; một tình yêu biết trau dồi thái độ đối với lòng quảng đại và thương xót của Chúa, Đấng "đã tự ý trở nên nghèo khó để lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng ta trở nên giàu có" (2 Cr 8,9). Suy niệm những mầu nhiệm trung tâm của đức tin, cuộc khổ nạn, thập giá và sự phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta nhận ra rằng Ơn Cứu Chuộc là món quà vô giá được ban cho chúng ta từ sáng kiến ​​quảng đại của Thiên Chúa.
 
Hành vi tạ ơn Thiên Chúa về mầu nhiệm tình yêu thập giá, niềm tin đích thực, sự biến đổi và mở lòng ra với tha nhân: đó là những yếu tố cần thiết để sống Mùa Chay thánh. Trên hành trình này, chúng ta cầu xin sự bảo vệ và trợ giúp của Đức Trinh Nữ Maria với một niềm xác tín đặc biệt rằng Mẹ là tín hữu đầu tiên trong Chúa Kitô, đang đồng hành với chúng ta trong những ngày nồng nhiệt cầu nguyện và sám hối này, được thanh tẩy và đổi mới tâm hồn, để cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua của con Mẹ.

Cảm ơn anh chị em!
 
Chuyển ngữ từ "Vos enfants savent-ils faire le signe de la croix? Examen de conscience de carême". Bản dịch Pháp ngữ: Hélène Ginabat (ZENIT)

Tác giả bài viết: Huuchanh

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây