Giáo xứ Vinh Hương

Than phiền với Thiên Chúa không phải là tội lỗi

Thứ sáu - 07/06/2013 11:14
Tobia và Sara cùng nhau cầu nguyện
Tobia và Sara cùng nhau cầu nguyện
Trong bài giảng lễ sáng thứ Tư ngày 5 tháng 6 vừa qua tại nhà nguyện Nhà Thánh Martha, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi cảm thông và cầu nguyện cho những người đang đau khổ trên thế giới. Ngài khuyến khích cầu nguyện bằng "tâm tình con người" và lưu ý rằng "than phiền với Thiên Chúa không phải là tội lỗi".
 
Than phiền cũng là cầu nguyện
 
Trước hết Đức Giáo Hoàng nhận xét về bài đọc thứ nhất (Tb 3,1-11.16-17), trong đó Tobia và Sara, hai con người "đau khổ, đang tìm kiếm một lối thoát". "Họ không xúc phạm, nhưng họ phàn nàn", và ngài lưu ý thêm rằng "than phiền với Thiên Chúa không phải là tội lỗi".
 
"Chúa lắng nghe lời than thở", ngài nói thêm, và kể chuyện một linh mục quen biết đã nói với một phụ nữ từng than vãn trước mặt Thiên Chúa: "Nhưng thưa bà, đây là một hình thức cầu nguyện, bà cứ tiếp tục than thở đi".
 
Hai ông Gióp và Giêrêmia cũng "than trách một lời nguyền: không phải phàn nàn Chúa, nhưng oán trách tình trạng của họ". Hơn nữa, than phiền là một trạng thái của con người, là "nhân tính" bởi vì có rất nhiều người đang trong tình trạng đau khổ thực sự. Đức Giáo Hoàng nói: "Hãy nghĩ đến đất nước Sy-ri, đến những người tị nạn, đến những bệnh viện: bao nhiêu người đang rên xiết vì đau khổ, vì những căn bệnh hiểm nghèo?".
 
Sức mạnh hiệp thông của các thánh
 
Trong Tin Mừng (Mc 12, 18-27), những người theo phái Xa-đúc trình bày câu chuyện về "người phụ nữ có bảy đời chồng với cái nhìn từ khía cạnh thanh tịnh, như một trường hợp luân lý". Nhưng để nói về "những người đang trong tình trạng ngặt nghèo hay những người đang đau khổ", phải nói về họ "bằng cả tấm lòng gần gụi họ", nghĩa là nghĩ đến họ "bằng trái tim và cả thể xác mình".
 
Trong Giáo Hội, có rất nhiều người đang trong tình trạng này. Làm thế nào để đối phó với quá nhiều đau khổ? "Chúa Giêsu đã nói: hãy cầu nguyện cho họ", Đức Giáo Hoàng trả lời, và giải thích mầu nhiệm hiệp thông của các thánh: "Những người đau khổ phải vào trong trái tim tôi, phải là mối lo âu của tôi. Anh chị em tôi đang đau khổ ... Xin Chúa hãy đoái nhìn họ, những người đang khóc lóc, đang rên xiết".
 
Sự hiệp thông cũng được minh họa bằng bài đọc 1, bài đọc đã "mở ra cánh cửa hy vọng". "Vào thời điểm đó, những lời cầu nguyện của người này người kia đã được Thiên Chúa Tối Cao chấp nhận trong vinh quang Người, và thiên thần Raphael của Chúa được gửi đến để chữa lành họ, bởi họ đã cùng nhau cầu nguyện trước mặt Chúa". Ngài lưu ý: "Tobia và Sara cùng nhau cầu nguyện".
 
Cầu nguyện với tâm tình con người
 
"Cầu nguyện với tâm tình con người, không phải bằng tư tưởng mà bằng tấm lòng", Đức Giáo Hoàng khẳng định: "Cầu nguyện luôn luôn để tôn vinh Thiên Chúa. Luôn luôn, nếu là lời cầu nguyện của trái tim".
 
Ngược lại, "nếu sự đau khổ được coi là một "trường hợp đạo đức", lời cầu nguyện không bao giờ đến được với Thiên Chúa, bởi vì không vượt ra khỏi chính mình thì chẳng có ý nghĩa gì, đó chỉ là một trò chơi trí tuệ".
 
Và Đức Giáo Hoàng kết luận: "Hãy nói với Chúa Giêsu về tất cả những anh chị em đang đau khổ. Để lời cầu nguyện của chúng ta trở nên một chút hy vọng cho họ".
 
Anne Kurian (Zenit. org)
Huuchanh lược dịch
 
 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây