Giáo xứ Vinh Hương

Đức Maria như một nữ ngôn sứ

Thứ sáu - 22/10/2021 18:59
Đức Maria như một nữ ngôn sứ
ĐỨC MARIA NHƯ MỘT NỮ NGÔN SỨ
 
Có thể nói, chúng ta đã xác định được xuất xứ thần học của thánh mẫu học qua việc chú giải lời chào của Thiên thần theo lối suy gẫm. Chúng ta đã trả lời câu hỏi “ý nghĩa hình ảnh Đức Maria trong kết cấu đức tin và lòng sùng kính là gì?” Giờ đây, tôi muốn giải thích nhiều hơn trực giác nền tảng của chúng ta dựa trên hai khía cạnh khác của Đức Maria trong Tin mừng Luca.

Khía cạnh đầu tiên liên quan đến lời cầu nguyện, tức là đến đặc tính suy gẫm của Đức Maria. Chúng ta cũng có thể nói rằng khía cạnh đầu tiên này liên quan đến yếu tố thần bí nơi bản chất của Mẹ, vốn được các Giáo phụ liên kết chặt chẽ với tính ngôn sứ. Ở đây, tôi biết ba bản văn đề cập rõ ràng đến khía cạnh thần bí này. Bản văn đầu tiên được tìm thấy trong bối cảnh truyền tin: Đức Maria hoảng sợ trước lời chào của Thiên thần — đây là nỗi sợ hãi thánh thiêng xuống trên con người khi Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác biệt đến gần con người. Đức Maria sợ hãi, và Mẹ “tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1,29). Động từ “tự hỏi” mà Luca sử dụng có nghĩa gốc trong tiếng Hy Lạp là “đối thoại”. Nói cách khác, Đức Maria bước vào cuộc đối thoại nội tâm với Ngôi Lời. Mẹ có cuộc đối thoại nội tâm với Ngôi Lời đã được trao ban cho mình; Mẹ đã ngỏ lời với Ngài và để cho Ngài ngỏ lời với Mẹ, nhằm hiểu được ý nghĩa của Lời. 

Bản văn thích hợp thứ hai xuất hiện sau trình thuật những mục đồng thờ lạy Chúa Giêsu. Bản văn ghi rằng Đức Maria đã “ghi nhớ/giữ[1] những lời ấy (= “các biến cố”) “trong lòng” (Lc 2,19). Ở đây, thánh sử Luca đã gán cho Đức Maria việc ghi nhớ sâu sắc, suy đi nghĩ lại, vốn sẽ đóng một vai trò quan trọng tương tự trong Tin mừng Gioan qua việc bày tỏ sứ điệp của Đức Giêsu trong Giáo hội dưới tác động của Thánh Thần. Đức Maria xem các biến cố ấy là “lời”, là những biến cố có đầy đủ ý nghĩa bởi vì chúng xuất phát từ ý muốn tạo ra ý nghĩa của Thiên Chúa. Mẹ chuyển các biến cố ấy thành lời và thấm nhập, đưa chúng vào “trong lòng” — tức là vào chiều kích nội tâm của sự hiểu biết nơi hòa nhập giữa ý thức và tinh thần, lý trí và cảm giác, nhận thức nội tại và ngoại tại. Do đó, Mẹ có thể nhìn thấy tổng thể mà không bị lạc vào các chi tiết riêng lẻ và hiểu được những phần [nổi bật] của cái toàn thể. Đức Maria “sắp xếp chúng lại với nhau”, “giữ chúng cùng với nhau” — Mẹ đã ghép các chi tiết đơn lẻ vào bức tranh toàn thể, so sánh, xem xét và rồi gìn giữ chúng. Lời ấy đã trở thành hạt giống nơi đất tốt. Đức Maria không giật lấy, không giữ chặt lời ấy bằng cách hời hợt nắm bắt ngay lập tức, và sau đó quên đi. Đúng hơn, biến cố bên ngoài có nơi cư ngụ trong lòng Mẹ, và như thế tỏ lộ dần dần chiều sâu của nó, mà không làm mờ đi những diễn biến chỉ xảy ra một lần duy nhất.

Có một tuyên bố tương tự liên quan đến hoàn cảnh tập trung vào Đức Giêsu khi lên mười hai tuổi trong Đền thờ. Trước tiên “ông bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2,50). Ngay cả đối với người tin, tức là người hoàn toàn mở ra với Thiên Chúa, thì lời Chúa không thể lĩnh hội và hiển nhiên ngay lập tức được. Những ai yêu cầu sứ điệp Kitô giáo phải có thể hiểu được ngay lập tức như bất kỳ tuyên bố tầm thường nào khác, thì họ cản trở Thiên Chúa. Nơi nào không có khiêm nhường để chấp nhận mầu nhiệm, không có kiên nhẫn để đón nhận trong lòng những gì người ta chưa hiểu, để cưu mang nó đến cùng, và để nó mở ra đúng lúc, thì hạt giống của lời đã rơi trên đá sỏi, nơi không có đất. Thậm chí cả người Mẹ cũng không hiểu người Con ngay lúc ấy, nhưng một lần nữa Mẹ lại “ghi nhớ [giữ] tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Trong bản văn Hy Lạp, động từ “giữ” nơi Lc 2,19 và 2,51 là hai hạn từ khác nhau. Ở câu 51 từ này nhấn mạnh nhiều hơn về sự chiêm ngắm của Đức Maria để tìm sự thống nhất giữa những biểu hiện khác nhau của Đức Giêsu, còn ở câu 19 nhấn mạnh ý nghĩa cưu mang và gìn giữ lời nói của các mục đồng cho đến khi được hoàn tất.

Đằng sau bức chân dung của Đức Maria, chúng ta đã thoáng thấy hình ảnh người tôn thờ Thiên Chúa của Cựu ước, như được mô tả trong sách Thánh vịnh, đặc biệt là Tv 119, thánh vịnh tuyệt vời về lời Thiên Chúa. Ở đó nổi lên hình ảnh một con người đạo đức, mà đặc điểm là yêu mến lời Chúa, mang lời Chúa trong lòng, ngẫm suy, chiêm ngắm đêm ngày, hoàn toàn thấm đầy lời Chúa và thấm nhập sức sống của lời Chúa. Các giáo phụ đã tổng kết những đặc tính này bằng một hình ảnh đẹp đẽ và hùng hồn, chẳng hạn thánh Theodotus thành Ancyra, thế kỷ V, đã viết như sau: “Đức Trinh nữ đã hạ sinh. . . vị Nữ Ngôn sứ đã hạ sinh một trẻ thơ. . . Nhờ nghe mà Đức Maria, Nữ Ngôn sứ, đã cưu mang Thiên Chúa hằng sống. Vì tai là con đường tự nhiên của diễn từ qua lại”. Ở đây, mẫu tính thần linh và thái độ của Đức Maria kiên trì mở ra với lời Chúa như thấm nhập vào nhau: để tai nghe lời chào của Thiên thần, Đức Maria đón nhận Thánh Thần vào trong con người mình. Chỉ với khả năng nghe, Mẹ đón nhận Lời cách trọn vẹn đến nỗi Lời trở thành xác phàm trong lòng Mẹ. Cách hiểu như thế về khả năng nghe, về việc suy gẫm, việc thụ thai “thiêng liêng” xuất hiện cùng với khái niệm và thực tại của tính ngôn sứ: Đức Maria đã nghe từ tận sâu thẳm tâm hồn, nhờ đó Mẹ thực sự nội tâm hóa Lời và có thể trao ban Lời cho thế giới bằng một cách thế mới mẻ, nên Mẹ là một nữ ngôn sứ. Alois Grillmeier đã đưa ra lối chú giải sau đây đối với suy tư của các giáo phụ:

Ví dụ, chúng ta không thấy dấu vết của khả năng hay lời tiên tri ngoại giáo nơi hình ảnh “Đức Maria Nữ Ngôn sứ”. Đức Maria không phải là một nữ tư tế trong đền thờ ngoại giáo. Khi chúng ta nhìn cảnh Truyền tin. . . cùng với cuộc gặp gỡ tại nhà ông Dacaria, thì trọng tâm của tính ngôn sứ chuyển từ chiều kích xuất thần sang chiều kích nội tâm của ân sủng. . . Nếu có một vị trí thích hợp cho Đức Maria trong lịch sử thần bí, thì trong trường hợp đó vai trò của Mẹ mang một ý nghĩa: Mẹ không làm gì khác ngoài việc rút khỏi ngoại vi và hướng đến bản chất nội tâm.

Bằng cách này, Đức Maria giải thích cách hiểu mới mẻ và đặc biệt của Kitô giáo về ngôn sứ: cuộc sống trong thánh thiện và chân lý, đó là lời tiên báo đích thực về tương lai và là cách giải thích vững chắc duy nhất về mọi tặng phẩm. Sự vĩ đại thực sự và tính đơn giản vượt trội của chủ nghĩa thần bí Kitô giáo trở nên thật rõ ràng nơi Đức Maria: nó không hệ tại nơi những hiện tượng phi thường, xuất thần và thị kiến, nhưng nơi sự trao đổi lâu bền giữa sự hiện hữu của thụ tạo với Đấng Tạo Hóa, để thụ tạo trở nên dễ hiểu hơn bao giờ hết đối với Ngài, thực sự nên một với Ngài trong sự kết hợp thánh thiện vừa là Tân nương vừa là Mẹ.

Không nên cố gắng giải thích Kinh thánh theo hướng tâm lý học. Nhưng dù vậy, có lẽ chúng ta có thể tìm kiếm những dấu vết tinh tế mà ở đó Kinh thánh cụ thể hóa cách thế hiện hữu này qua hình ảnh của Đức Maria. Đối với tôi, câu chuyện tiệc cưới Cana là một ví dụ như vậy. Đức Maria đã bị từ chối. Giờ của Chúa vẫn chưa đến, trong khi giờ hiện tại, tức giai đoạn hoạt động công khai của Đức Giêsu, đòi hỏi Mẹ phải rút lui và thinh lặng. Có vẻ xa lạ, gần như ngược lại, Mẹ bất chấp quay sang các gia nhân và nói “Người bảo gì các anh cứ làm theo” (Ga 2,5). Điều này chẳng phải đơn thuần chỉ là sự sẵn sàng nội tại của Mẹ để cho Đức Giêsu hành động, một trực giác nhạy cảm của Mẹ đối với mầu nhiệm “giờ” đang còn ẩn giấu hay sao? Ví dụ thứ hai là Lễ Ngũ tuần. Đối với Mẹ, thời gian hoạt động công khai của Đức Giêsu là thời gian bị từ chối, thời gian của bóng tối. Tuy nhiên, bối cảnh Lễ Ngũ tuần tái hiện khởi điểm câu chuyện ở Nadaret và cho thấy cách thức toàn bộ được gắn kết với nhau. Cũng như Đức Kitô đã được sinh ra bởi Thánh Thần trong biến cố Truyền tin, thì giờ đây Giáo hội cũng được sinh ra bởi hoạt động của cùng một Thần Khí như vậy. Nhưng Đức Maria ở giữa những người cầu nguyện và chờ đợi (Cv 1,16). Ký ức cầu nguyện này mà chúng ta xác định là bản chất đặc trưng của Mẹ, một lần nữa trở thành không gian mà Thánh Thần có thể bước vào và mang tới một công trình sáng tạo mới. 

Cuối cùng, một lần nữa tôi muốn đề cập đến lời kinh Magnificat, mà theo tôi, đó là một tổng hợp của tất cả các khía cạnh này. Trên hết, ở đây, đặc biệt trong lời tiên báo rằng muôn thế hệ sẽ ca ngợi mình, Đức Maria đã tỏ cho thấy Mẹ chính là Nữ Ngôn sứ đầy Thần Khí theo nhãn quan của các giáo phụ. Tuy nhiên, lời cầu nguyện mang tính ngôn sứ này được đan dệt hoàn toàn bằng những sợi chỉ từ Cựu ước. Có bao nhiêu giai đoạn hình thành văn bản này trước khi Kitô giáo xuất hiện, vị thánh sử đã tham gia vào việc biên soạn bản văn ấy đến đâu, cuối cùng hoàn toàn đều là những câu hỏi thứ yếu. Luca và truyền thống mà từ đó ông xuất hiện nghe thấy nơi lời kinh Magnificat giọng nói của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Họ biết rằng đây là cách thức của Mẹ. Đức Maria đã đắm chìm vào lời của Giao ước cũ đến mức lời ấy tự nhiên trở thành lời của chính Mẹ. Đức Maria đã sống và cầu nguyện rất sâu đậm nhờ Kinh thánh, Mẹ đã “giữ những lời Kinh thánh chung với nhau” trong lòng đến mức Mẹ nhìn thấy nơi những lời đó cuộc sống của mình và của thế giới; những lời ấy là của Mẹ đến nỗi Mẹ tìm thấy trong đó sức mạnh để đáp trả “giờ” của mình. Lời Chúa đã trở thành lời của Mẹ, và Mẹ đã phó dâng hoàn toàn lời nói của mình vào lời của Chúa: các giới hạn đã bị xóa bỏ, bởi vì hiện hữu của Mẹ, như một sự thâm nhập sống động vào Ngôi Lời, là hiện hữu trong địa hạt của Thánh Thần. “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”. Khi chú giải câu này, thánh Ambrôsiô cho rằng, điều này không có nghĩa là chúng ta có thể thêm gì cho Thiên Chúa, ngoại trừ để cho Ngài trở nên cao cả trong chúng ta. Ngợi khen Thiên Chúa có nghĩa là, không muốn ca khen bản thân, tên tuổi, bản ngã của chính mình; không phải là mở rộng bản thân và chiếm thêm không gian, nhưng là trao khoảng không cho Thiên Chúa để Ngài có thể hiện diện nhiều hơn trên thế giới. Điều đó có nghĩa là chúng ta thật sự là chính mình hơn nữa: không phải là một đơn tử tự khép kín chẳng phô bày gì khác ngoài bản thân nó, nhưng là hình ảnh của Thiên Chúa. Đó có nghĩa là thoát khỏi bụi bẩn và muội than vốn phủ mờ và làm lem luốc sự trong sáng của hình ảnh Thiên Chúa, và trở thành con người thực sự khi chỉ hướng về Ngài mà thôi.

 
Phêrô Bùi Đức Trịnh chuyển ngữ từ
Joseph Ratzinger and Hans Urs von Balthasar, Mary the Church at the Source, translated by Adrian Walker (San Francisco: Ignatius Press, 2005).

Tác giả bài viết: Joseph Ratzinger

Nguồn tin: www.giaophannhatrang.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây