Giáo xứ Vinh Hương

Đức Phanxicô có thể mang lại hòa bình cho Ukraine không?

Thứ năm - 01/06/2023 21:59
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến riêng tại Vatican với tổng thống Zelensky ngày 8 tháng 2 năm 2020
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến riêng tại Vatican với tổng thống Zelensky ngày 8 tháng 2 năm 2020

Việc giáo hoàng từ chối không khuyến khích bên này bên kia trong cuộc chiến này đã làm cho ngài được tín nhiệm với tư cách là người hòa giải.

Đức Phanxicô đã khởi động một sứ mệnh hòa bình nhằm tìm giải pháp cho cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, làm cho các đồng minh của Ukraine khó chịu, khi ngài từ chối nhấn mạnh cho rằng Nga phải rời khỏi Ukraine như điểm khởi đầu cho các cuộc thương thuyết. Về phần mình, người Nga đơn thuần phớt lờ giáo hoàng.

Những người phương Tây ủng hộ Ukraine cáo buộc giáo hoàng đã xử lý ngang nhau về mặt đạo đức, đối xử với cả hai bên như nhau. Thật vô nghĩa.

Chỉ bốn tuần sau cuộc chiến, trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật tháng 3 năm 2022, Đức Phanxicô đã lên án “cuộc xâm lược bạo lực chống lại Ukraine và cuộc tàn sát phi lý, liên tục tàn sát và có những hành động tàn bạo. Không có lời biện minh nào cho việc này!”.

Vatican luôn nói rằng họ muốn một “hòa bình công bằng”. Khi phóng viên Gerard O’Connell của America Media hỏi tổng giám mục Paul Gallagher, bộ trưởng bộ Ngoại giao Vatican, một nền hòa bình công bằng là như thế nào với Vatican, giám mục Gallagher trả lời, đó là quân đội Nga phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine.

Điều này không có nghĩa là giáo hoàng phải xem phương Tây là không trách cứ vào đâu được. Tháng 6 năm ngoái, ngài nói trên tạp chí Dòng Tên Văn minh Công giáo, rằng vài tháng trước chiến tranh, một nhà ngoại giao “hiền triết” ẩn danh đã nói với ngài về mối lo NATO của họ. Nhà ngoại giao này nói: “Họ đang sủa trước cổng nước Nga,” ông kết luận: “Và họ không hiểu người Nga là đế quốc, sẽ không cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào đến gần họ. Tình hình có thể dẫn đến chiến tranh.”

Đức Phanxicô đã nói rõ, đây là ý kiến của nhà ngoại giao, thật khó để không kết luận Đức Phanxicô đồng ý với ông. Như nhiều người ở Nam bán cầu, họ nghĩ rằng bằng cách nào đó NATO hoặc đã khiêu khích hoặc đã thất bại trong việc ngăn chặn chiến tranh.

Đức Phanxicô cũng đã ghi nhận “sự quan tâm đến việc thử nghiệm và bán vũ khí” cho những người tham chiến trong chiến tranh. Không còn nghi ngờ gì nữa, tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mỹ đang thu lợi nhuận ở Ukraine, về mặt tài chính cũng như chiến lược: bộ máy chiến tranh của Nga xuống cấp nghiêm trọng mà không một người Mỹ nào thiệt mạng.

Nhưng để trả lời cho những người tố cáo ngài thân Putin, Đức Phanxicô trả lời trên tạp chí Văn minh Công giáo: “Không, tôi không ủng hộ. Sẽ là đơn giản hóa và sai lầm khi nói một điều như vậy. Tôi chỉ đơn giản là phản đối việc biến một tình huống phức tạp thành sự phân biệt giữa người tốt và kẻ xấu, mà không xem xét gốc rễ và lợi ích cá nhân, vốn rất phức tạp.”

Ngài thừa nhận “sự tàn bạo và ác liệt của cuộc chiến do Nga phát động. Trong phỏng vấn với tờ Văn minh Công giáo, ngài nói: “Trong khi chúng ta chứng kiến sự hung bạo và tàn ác của quân đội Nga, chúng ta không nên quên các vấn đề và tìm cách giải quyết chúng”.

Giáo hoàng không cổ vũ bên nào trong cuộc chiến này, đó là phẩm chất thiết yếu cần có ở một nhà hòa giải. Ngài đã bổ nhiệm hồng y Matteo Zuppi làm đặc phái viên hòa bình ở Ukraine. Cả hai bên đã nhờ Vatican tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi tù nhân, đó là một dấu hiệu tốt.

Với việc Ukraine không sẵn sàng từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào của mình – gồm cả Crimea, mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014 – liệu có điều gì khác có thể xoa dịu Nga và cho phép Putin giữ thể diện trong thất bại không? Tôi nghĩ có: vũ khí hạt nhân.

Phương Tây luôn lo sợ Hồng quân tràn vào châu Âu – thực sự, đó là lý do NATO tồn tại. Vì Hoa Kỳ và châu Âu không sẵn sàng trả đủ cho vũ khí thông thường để ngăn chặn những gì họ xem là một lực lượng đáng gờm, họ dựa vào vũ khí hạt nhân chiến thuật như một biện pháp ngăn chặn cuộc xâm lược của Hồng quân.

Bây giờ chúng ta thấy quân đội Nga là quân đội Potemkin, phô trương hơn là thực chất. Nếu Ukraine tự mình có thể cầm chân người Nga và giành chiến thắng, NATO sẽ quét sạch họ mà không cần sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Thực tế kiểu quân sự này đòi hỏi phải xem xét lại chính sách hạt nhân của NATO. Là một phần của việc giải quyết cuộc chiến Ukraine-Nga, NATO và Hoa Kỳ nên làm hai việc: Thứ nhất, từ bỏ việc dùng vũ khí hạt nhân đầu tiên ở châu Âu. Thứ hai, đàm phán loại bỏ hoặc ít nhất là giảm vũ khí hạt nhân chiến thuật ở châu Âu.

Ukraine sẽ phải chấp nhận không “chính thức” gia nhập NATO. Cuộc chiến đã làm cho Ukraine trở thành một phần của NATO không chính thức. Ukraine sẽ tiếp tục nhận được vũ khí, nhưng không có quân đội NATO nào có thể được triển khai trên đất Ukraine.

Putin, với tư cách là một kẻ chuyên quyền độc đoán, có thể tiếp tục cuộc chiến này vô thời hạn. Chúng ta phải cung cấp cho ông một thứ gì đó để ông dừng lại. Ông có thể giữ thể diện bằng cách nói với người dân của ông, cuộc chiến đã thành công trong việc buộc NATO phải tham gia thỏa thuận này.

Có một cám dỗ để tiếp tục chiến tranh tiếp diễn chừng nào Nga còn bị cản trở và chịu tổn thất quân sự lớn với hy vọng suy đoán chiến tranh sẽ hạ bệ Putin. Nhưng Ukraine cũng đang chịu tổn thất cả về quân sự và dân sự.

Đức Phanxicô nhắc nhở chúng ta hãy nhìn vào “khía cạnh con người của cuộc chiến,” tác động đối với cuộc sống của con người, những cái chết, những người tị nạn, những góa phụ và trẻ mồ côi. Cuộc chiến không thể chỉ được xem xét dưới góc độ “tính toán địa chính trị”. Quá nhiều người chết. Đức Phanxicô  đã đúng khi kêu gọi hòa bình. Vũ khí hạt nhân chiến thuật không cần thiết ở châu Âu sẽ là một cái giá rẻ để trả cho nó.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây