Giáo xứ Vinh Hương

Sự biến đổi kỳ diệu

Thứ tư - 11/04/2012 20:21

Sự biến đổi kỳ diệu

- Chủ đề: "Phục sinh chính là tin mừng rằng, Chúa Giêsu sẵn sàng làm phép lạ trong cuộc đời chúng ta, nếu chúng ta để Người thi hành."

Ernest Gordon có viết một quyển sách tựa đề Through the Valley of the Kwai River (Ngang Qua Thung Lũng Sông Kwai), trong đó ông trích dẫn một chuyện có thật xảy ra tại một trại tù binh Nhật dọc bờ sông Kwai trong thế chiến II. Nhiều người trong chúng ta đã nghe nói về trại này trong cuốn phim Bridge Over the River Kwai (Cầu Sông Kwai). Nơi đây 12 ngàn tù binh đã chết vì bệnh tật và bị đối xử tàn tệ khi họ phải xây một tuyến đường xe lửa.

Đàn ông bị cưỡng bức lao động dưới cái nóng đôi khi lên đến 120 độ F (khoảng 49 độ C). Đầu trần, chân đất, họ vác từng thúng đá trên vai để xây cho xong toàn bộ tuyến đường. Họ chỉ mặc mỗi manh áo rách và nằm ngủ trên mặt đất không chăn chiếu.

Nhưng kẻ thù khủng khiếp nhất đối với họ không phải là lính Nhật hay cuộc sống gian khổ mà lại là chính họ.

Theo lời kể của Gordon, vì quá sợ lính Nhật, nên các tù binh đã bị mắc chứng hoang tưởng. Họ lấy luật rừng cư xử với nhau. Họ trộm cắp của nhau, nghi ngờ nhau và chỉ điểm lẫn nhau.

Bọn canh gác cười nhạo khi thấy những người lính da trắng từng kiêu hãnh biết bao giờ đây đang tiêu diệt lẫn nhau.

Thế rồi một điều khó tin đã xảy ra. Hai tù nhân nọ chia nhóm học hỏi Kinh Thánh cho các tù nhân khác.

Qua việc học hỏi này, dần dà các tù nhân khám phá ra Chúa Giêsu là một người đang sống giữa họ.

Hơn nữa, họ còn khám phá được rằng Chúa Giêsu hiểu rõ hoàn cảnh của ho. Người cũng không có chỗ gối đầu vào bên đêm. Người cũng đói khát, trơ trụi. Người cũng bị phản bội, cũng nếm roi đòn trên lưng.

Tất cả những gì về Chúa Giêsu--Người là gì, Người nói gì, Người làm gì--bắt đầu có ý nghĩa và trở nên sống động.

Các tù nhân không còn cho rằng họ là nạn nhân của một tấn bi kịch độc ác nào đó. Họ không còn chỉ điểm. Họ không còn tiêu diệt lẫn nhau nữa.

Sự thay đổi tâm hồn của họ được tỏ lộ không đâu rõ rệt cho bằng trong lời cầu nguyện.

Họ bắt đầu cầu nguyện cho nhau nhiều hơn cho chính mình. Và nếu có cầu xin cho chính họ, thì họ chẳng xin cho được điều gì. Mà xin cho sức mạnh mới mẻ trong tâm hồn của họ được bộc lộ.

Dần dà, cả trại đã được biến đổi, đến nỗi không phải chỉ đám lính Nhật mà cả các tù binh cũng phải ngạc nhiên.

Một đêm nọ, sau khi gặp gỡ với nhóm học hỏi Kinh Thánh xong, Gordon khập khiễng bước về trại của mình. Đang lúc lần mò trong bóng đêm, ông bỗng nghe có tiếng nhiều người ca hát, có người dùng mảnh gỗ để gõ nhịp vào loong thiếc.

Tiếng ca hát và tiếng gõ nhịp làm cho bóng đêm trở nên sống động. Sự khác biệt giữa tiếng hát vui tươi lúc đó và cái yên lặng chết chóc của những tháng qua là sự khác biệt giữa sự sống và sự chết-sự khác biệt giữa sự chết và sự phục sinh.

Câu chuyện về sự biến đổi trong trại tù của Nhật là một minh họa tuyệt vời cho lễ Phục Sinh hôm nay.

Phục Sinh là phép lạ làm cho các tù nhân tin tưởng lẫn nhau sau khi đã nghi ngờ nhau.

Phục Sinh là phép lạ giúp họ biết chia sẻ với nhau thay vì chỉ biết bóc lột nhau.

Phục Sinh là phép lạ khiến họ biết giúp đỡ nhau thay vì chỉ tìm cách tố cáo nhau.

Và điều đó đã quy tụ chúng ta lại nơi giáo đường này trong buổi sáng Phục Sinh đẹp trời hôm nay. Đối với chúng ta, Phục Sinh là gì?

Phục Sinh là sự nhận thức rằng sự biến đổi đời sống nơi các tù nhân kia cũng có thể xảy ra trong chính cuộc sống chúng ta.

Phục Sinh là sự nhận thức rằng sự thay đổi nơi trại tù binh nọ cũng có thể xảy ra trong thế giới chúng ta.

Tất cả những gì chúng ta cần là điều mà các tù nhân ấy đã thi hành.

Tất cả những gì chúng ta cần là mở rộng tâm hồn để đón nhận các ơn sủng mà Chúa đã chiến thắng cho chúng ta vào dịp Phục Sinh cách đây 2000 năm.

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô, tin mừng Phục Sinh là không gì có thể chế ngự chúng ta được nữa--dù là sự ngã lòng, sự bất hạnh, sự ruồng bỏ, sự đớn đau và kể sự chết.

Tin Mừng Phục Sinh là chúng ta không cần phải đợi đến khi chết mới được tham dự vào quyền năng phục sinh. Chúng ta có thể bắt đầu thi hành điều ấy ngay tự bây giờ.

Như thế, Phục Sinh mời gọi chúng ta mở rộng tâm hồn cho Chúa Giêsu Phục Sinh để Người làm cho chúng ta điều mà Người đã làm cho các tù binh trong trại tù của Nhật.

Phục Sinh mời gọi chúng ta hãy để Chúa giúp chúng ta tin tưởng lẫn nhau sau khi phản bội nhau.

Phục Sinh mời gọi chúng ta hãy để Chúa giúp chúng ta yêu thương nhau sau khi đã khước từ tình yêu của nhau.

Phục Sinh mời gọi chúng ta hãy để Chúa giúp chúng ta lấy lại hy vọng sau khi chúng ta đã làm hy vọng ấy tan thành từng mảnh.

Phục Sinh mời gọi chúng ta hãy để Chúa giúp chúng ta nhặt lại những mảnh vỡ ấy và bắt đầu lại sau khi chúng ta đã sẵn sàng bỏ cuộc.

Đây là tất cả ý nghĩa của Phục Sinh.

Đó là một tin vui cho biết Chúa Giêsu Phục Sinh đang ở giữa chúng ta, ngay trong thánh đường này, vào buổi sáng hôm nay.

Đó là một tin vui cho biết Chúa Giêsu đã chiến thắng sự dữ, sự chết và chúng ta cũng sẽ như vậy, nếu chúng ta mở rộng tâm hồn cho Người.

Đó là một tin vui cho biết Chúa Giêsu sẵn sàng làm phép lạ cho chúng ta, nếu chúng ta để cho Người thi hành.

Đó là một tin vui cho biết không gì có thể tiêu diệt được chúng ta, dù là đau đớn, ưu phiền, bị chối từ, tội lỗi và ngay cả sự chết.

Tóm lại, đó chính là tất cả những gì mà Phục Sinh mang lại cho chúng ta. Và đó chính là điều mà chúng ta hân hoan cử hành khi cùng nhau chuẩn bị bẻ bánh nhân ngày khai sinh đức tin Kitô Giáo của chúng ta hôm nay./.


 

Tác giả bài viết: Cha Mark Link, S.J.

Nguồn tin: wwww.danchuahiepthong

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây