Giáo xứ Vinh Hương

Tình yêu Chúa - Một tình yêu quảng đại khôn lường

Thứ ba - 12/04/2022 23:12
Hiểu được tình yêu Chúa Giêsu, sẽ giúp chúng ta yêu thương như Ngài yêu thương.
Thiên Chúa chịu đựng cái chết nhân loại
Thiên Chúa chịu đựng cái chết nhân loại

Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta cùng suy ngẫm những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trong ngày u ám này. Kinh Thánh ghi lại bảy câu cuối cùng, hay "Bảy lời cuối cùng". Chúng ta đọc từng câu và dành thời gian suy ngẫm, và tìm kiếm ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc hơn cho cuộc đời mình.

"Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết họ làm gì."

Sự tha thứ của Chúa Giêsu là căn nguyên và ở một mức độ chưa từng thấy trước đây. Đang khi bị treo trên thập giá và chịu đựng sự tàn ác từ những người bức hại mình, Chúa Giêsu thốt lên lời tha thứ. Ngài tha thứ thay vì oán trách.

Hơn nữa, Ngài thậm chí còn thừa nhận rằng những người đóng đinh Ngài không hoàn toàn phải chịu trách nhiệm. Rõ ràng họ không biết họ đang làm gì. Sự thừa nhận khiêm hạ này của Chúa Giêsu cho thấy chiều sâu của lòng thương xót dịu dàng của Ngài. Nó cho thấy Ngài chết không phải vì tức giận hay oán hờn, mà là sẵn sàng hy sinh trọn vẹn. 

Chúng ta có thốt lên được những lời này không? Chúng ta có nhớ đến người đã làm tổn thương mình và cầu nguyện xin Cha tha thứ cho họ không? Hãy để Thiên Chúa phán xét và chúng ta cần thương xót và tha thứ.

"Hôm nay, anh sẽ ở cùng tôi trên Nước Trời."

Thật là một niềm an ủi cho người trộm lành khi nghe những lời này. Anh ấy hẳn đã tuyệt vọng tột cùng trong cuộc sống vào thời điểm ấy khi anh ta, cũng như Chúa Giêsu, đang chịu chết trên thập giá. Thật là một ân huệ khi ở gần bên Đấng Cứu Thế, và chia sẻ những đau khổ của Ngài như vậy. Và người đàn ông này đã được đặc ân là một trong những người đầu tiên đón nhận ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu đã thực hiện bằng khổ hình thập giá. 

Chúa Giêsu cũng cho chúng ta sự cam kết tương tự. Ngài bắt đầu ban ơn cứu rỗi cho mỗi người từ hôm nay. Và Ngài ban cho ngay cả trong khổ đau và tội lỗi của chính chúng ta. Chúng ta có nghe được Chúa ban cho mình ân huệ của lòng thương xót này không? Chúng ta có nghe Ngài mời gọi chia sẻ ân ban của Ngài về cuộc sống vĩnh cửu không? Hãy để cho Ngài mời gọi và để cho cuộc sống vĩnh cửu được bén rễ sâu hơn từ hôm nay trong tâm hồn mình.

"Thưa Bà, này là con Bà."

Đúng là một ân ban!  Ở đây, chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã giao phó mẹ mình cho Gioan. Và khi làm điều này, Ngài đã giao phó Mẹ Maria cho mỗi người chúng ta. Sự hiệp nhất với Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở thành một thành viên của gia đình Ngài và do đó, trở nên con cái của mẹ Ngài.  Đức Mẹ chấp nhận trách nhiệm này với niềm vui lớn. Mẹ nhận lấy và ôm chúng ta lại gần.

Chúng ta có chấp nhận mẹ Chúa Giêsu như mẹ thiêng liêng của riêng mình không? Chúng ta đã hoàn toàn hiến dâng mình cho Mẹ chưa? Được như vậy, Mẹ sẽ đặt chúng ta vào lớp áo bảo vệ và tình yêu của Mẹ.

"Lạy Chúa. Lạy Chúa. Sao Chúa bỏ con?"

Chúa Giêsu không bị bỏ rơi nhưng Ngài cho phép mình cảm nhận và trải nghiệm sự mất Cha hoàn toàn trong bản thể nhân loại của Ngài. Chúa Giêsu cảm nhận được trải nghiệm sâu sắc của sự tuyệt vọng. Ngài cho phép mình biết và trải nghiệm những ảnh hưởng của tội lỗi. Vì vậy, Ngài biết những gì chúng ta trải qua khi tuyệt vọng. Ngài biết cảm giác đó như thế nào. Và Ngài ở đó trong những cơn cám dỗ để giúp chúng ta vượt qua bất kỳ sự tuyệt vọng nào đối với niềm tin cậy hoàn toàn vào Cha.

"Ta khát."

Thật là một tuyên bố có ý nghĩa. Chúa Giêsu khát nước vào thời điểm đó để lấy nước làm dịu sự mất nước của Ngài. Nhưng hơn thế nữa, Ngài khao khát các linh hồn vì sự cứu rỗi nhân loại. Linh hồn Chúa Giêsu vẫn khao khát ơn cứu rỗi này. Ngài muốn gọi chúng ta là con cái. Ngài khao khát tình yêu của chúng ta.

Hãy suy nghĩ về việc Chúa Giêsu nói những lời này với bạn. "Ta khao khát con!" Ngài nói. Đó là một khát khao tình yêu của chúng ta một cách sâu sắc và cháy bỏng. Chúng ta thỏa mãn cơn khát của Chúa Giêsu bằng cách đáp trả tình yêu đó. Thỏa mãn cơn khát của Ngài vào thứ Sáu Tuần Thánh này bằng cách dành cho Ngài tình yêu.

"Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha."

Đây là những lời chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn bất cứ điều gì. Đây là những lời qui phục trọn vẹn trước Thiên Chúa. Cầu nguyện, cuối cùng là sự qui phục, là niềm tín thác. Hôm nay, hãy lặp đi lặp lại những lời này và hãy để sự qui phục toàn hảo này của Chúa Giêsu cũng là sự qui phục của chính chúng ta.

Qui phục có nghĩa là Chúa đang kiểm soát. Điều đó có nghĩa là chúng ta buông bỏ ý muốn của riêng mình và chỉ chọn ý Chúa. Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa chấp nhận sự qui phục của chúng ta và hướng dẫn chúng ta trong kế hoạch hoàn hảo của Ngài.

"Mọi sự đã hoàn tất."

Điều quan trọng là Ngài nói "Mọi sự đã hoàn tất" như những lời cuối cùng của Ngài. Điều này có nghĩa là gì? Cái gì đã hoàn tất?

Lời tuyên bố thiêng liêng này của Chúa Giêsu là một tuyên bố khẳng định rằng sứ mệnh cứu chuộc của Ngài trên toàn thế giới đã hoàn thành. "Nó" đề cập đến sự hy sinh hoàn hảo của Ngài về tình yêu dành cho tất cả chúng ta. Cái chết của Ngài, mà chúng ta tưởng niệm hôm nay, là sự hy sinh trọn vẹn vì tội lỗi nhân loại. Thật là một ân ban! Chúa Giêsu hy sinh chịu đựng chúng ta dường bao!

Chúng ta đã quen với việc nhìn thấy sự hy sinh này trên Thập giá. Chúng ta suy ngẫm mỗi khi nhìn vào Thánh giá. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là việc quá quen thuộc với Thập giá có thể cám dỗ chúng ta quên mất cuộc khổ nạn. Thật dễ dàng để bỏ lỡ những gì Chúa Giêsu thực sự đã làm cho chúng ta. Ngài đã hoàn tất công trình cứu độ nhân loại và đang trao hiến cho chúng ta. Hãy để hành động toàn thành của Lòng Thương Xót linh thiêng thâm nhập vào tâm hồn mình. Ngài muốn nói rằng sự hy sinh của Ngài đã "hoàn tất" công việc trong tâm hồn bạn.

Vì vậy, hôm nay, Thứ Sáu Tuần Thánh, sẽ thật tốt nếu chúng ta dành cả ngày để suy ngẫm về thực tại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Hãy cố gắng hiểu bản thân Thiên Chúa đau khổ và chết như thế nào. Hãy suy ngẫm về những gì mà chính Thiên Chúa, Đấng tạo dựng mọi loài, bị dẫn đến cái chết do chính những người mà Ngài đã tạo nên, để chịu đựng dưới bàn tay của những người mà Ngài yêu thương bằng một tình yêu trọn hảo.

Hiểu được tình yêu Chúa Giêsu, sẽ giúp chúng ta yêu thương như Ngài yêu thương; sẽ cho phép chúng ta yêu thương những người gây tổn thương và bức hại mình. Tình yêu Chúa là trọn hảo. Một tình yêu quảng đại khôn lường.

 
Lược dịch từ "God Suffers Human Death" - mycatholic.life

Tác giả bài viết: Huuchanh VH

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây