Giáo xứ Vinh Hương

Chúa Thăng Thiên

Thứ sáu - 18/05/2012 21:15

Chúa Thăng Thiên

- “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

Mỗi dịp mừng lễ Chúa lên trời, chúng ta lại long trọng đọc lại sứ điệp truyền giáo của Chúa Giêsu truyền lại: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Sứ điệp nầy có một sự thống nhất: “Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Sứ mệnh nầy lớn lao vượt qua mọi thời đại và mang nhiều chiều kích phong phú tùy vào từng tình huống lịch sử. Chúng ta thử suy tư một vài từ trong sứ điệp này.
 
“Ra đi” là rời bỏ nơi mình đang sống để thực hiện một kế hoạch. Ông Abraham, cha của kẻ tin, đã bỏ quê hương và dân tộc để bước theo lời mời gọi của Thiên Chúa, ông ra đi mà không biết mình đi đâu… tất cả chỉ vì một lời hứa: “Ta sẽ ban cho ngươi đất đai làm sản nghiệp, Ta sẽ làm cho ngươi trở thành cha của một dòng giống đông đúc” (Dt 11,8). Thánh Phanxicô Xaviê đã bỏ lại một tương lai tươi sáng nơi giảng đường Đại học Paris để cùng các bạn lập nên Dòng Tên với ước vọng truyền giảng Tin Mừng bất cứ nơi đâu Giáo hội cần. Người Kitô hữu tuy sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, họ được mời gọi sống có nhân cách và là người con cái Chúa, biết dùng khả năng mình để làm chứng cho Chúa Phục sinh, với xác tín rằng: ở dưới vòm trời nầy chỉ có Danh Giêsu mang lại ơn cứu độ cho con người.

“Tứ phương thiên hạ”: không loại trừ một dân tộc nào. Chúng ta nhớ lại dụ ngôn người gieo giống tung gieo hạt giống cách hào phóng, hạt giống rơi cả nơi vệ đường sỏi đá và cả trong buị gai. Kiểu gieo hạt như thế không ngại vất vả và không sợ uổng phí. Tuy Lời Chúa vẫn luôn là kho tàng quý giá và là viên ngọc quý mà ‘ai đó’ tình cờ khám phá ra và không ngần ngại bán đi tất cả những gì mình có để tậu cho bằng được viên ngọc đó, nhưng Lời Chúa vẫn luôn được Thiên Chúa và Giáo hội ban phát cách hào phóng. Điều nầy làm chúng ta liên tưởng đến thời đại truyền thông hiện nay, với mạng thông tin chằng chịt và đủ loại hạt giống tốt xấu được tung vãi đến mọi ngóc nghách của quả địa cầu nầy. Sứ điệp truyền thông năm 2012 của Đức Giáo Hoàng có chủ đề "Thinh lặng và lời nói: con đường truyền giảng Tin Mừng". Trong thinh lặng, ta nghiền ngẫm những sự kiện xảy ra nơi lòng mình và chung quanh minh, sắp xếp các thông tin…để nói lên một lời chứng có sức thuyết phục các tâm hồn. Với quá nhiều thông tin,  con người dễ bị phân tán – trở nên hời hợt và lệ thuộc các trang mạng. Hãy có những giây phút thinh lặng để nghiền ngẫm những thông tin mình nhận được và chỉ nên nói những điều sinh ích lợi cho người nghe.

“Loan báo Tin Mừng”. Tin Mừng Chúa mang đến được ví như “lửa” có sức tàn phá và có sức sưởi ấm các tâm hồn. Chúa mong ước biết bao cho ‘lửa’ đó được cháy bùng lên và được đặt trên giá đèn chứ không phải cất giấu nơi chân đèn và được phân phát dè sẻn với mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Thánh Phaolô nói một câu bất hủ: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Ước mong từng người chúng ta hiểu được sự thúc bách của việc ‘nói’ Lời của Chúa cho người khác, nói lên lập trường của Giáo hội cho anh em mình nghe, nói lên chứng từ sống đạo của chính mình để người khác giữ vững niềm tin. Biết bao chứng nhân của mọi thời đại đã thiệt mất mạng sống mình vì dám nói lên tiếng nói của Tin Mừng. Trong một chuyến viếng thăm tại Braxin, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: "Tôi thà thấy muôn ngàn lần một Giáo Hội bị bách hại, hơn là một Giáo Hội thỏa hiệp".

Hãy rao giảng Tin Mừng lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện. Bóng tối thường không chấp nhận ánh sáng. Những triết thuyết và lối sống chiều theo dục vọng đời nầy đang làm cho ‘lửa’ của các Kitô hữu có nguy cơ lụi tàn. Hãy đến với Chúa Giêsu nơi Thánh Thể và hăng say học hỏi Lời Chúa, để hâm lại sức nóng cho tâm hồn và để ta vững tin rằng: Chúa đang đồng hành với ta nơi trần thế nầy và đang cùng ta hoạt động truyền giáo.

“Đẹp thay bước chân người đi rao giảng Tin Mừng, người loan tin bình an” (Is 52,7). Người Kitô hữu dễ phủi tay trước ơn gọi làm chứng nhân và chiến sỹ chúa Kitô là những đòi hỏi của bí tích Rửa tội và Thêm sức. Hãy luôn nhớ rằng ta đã lãnh nhận ‘ơn Đức tin’ cách nhưng không thì cũng phải tìm cách để trao ban cho người khác. Mỗi người hãy xét lại động lực hoạt động tông đồ của mình: “Tôi lãnh bài sai từ Chúa, tôi làm việc cho Chúa”.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây