Giáo xứ Vinh Hương

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Thứ sáu - 25/05/2012 06:55

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

- Hiệp nhất là ân điển của Chúa Thánh Thần mà mọi con cái phải tha thiết cầu xin

Câu chuyện được sách Sáng Thế 11,1-9 kể lại mang nhiều ý nghĩa: “Ngày ấy, mọi người đều nói một thứ tiếng và dùng những từ như nhau. Họ dự tính xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời, để làm cho danh tiếng lẫy lừng và khỏi bị phân tán khắp mặt đất”. Thiên Chúa thấy chúng hợp thành một dân, nói một thứ tiếng và Ngài đã làm cho ngôn ngữ họ bất đồng và họ bị phân tán không thể tiếp tục công việc xây cất với ý đồ lưu danh nữa.

Một câu chuyện khác trong sách II Samuel 24,10… kể về vua Đavit. Ngày ấy, vương quốc trở nên thịnh vượng, vua Đavit nảy ra ý định kiểm tra dân số. Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ vì sự kiêu ngạo của nhà vua: không còn muốn tin tưởng nơi Thiên Chúa là sức mạnh của mình. Một câu chuyện khác trong sách Thẩm phán kể về ông Gedeon: ông tuyển 300 tinh binh đi chiếm lại vùng đất bị quân địch chiếm đóng, nhưng Chúa ra lệnh cho ông chỉ lấy 30 người, trang bị bằng đuốc và tù và, để con cái Israel biết rằng họ chiến thắng là nhờ Chúa (Thẩm phán 7,19).

Sách TĐCV (3,1-11) kể lại câu chuyện xảy ra vào ngày lễ Ngũ Tuần: Mọi người đang tụ họp một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào nhà, ai nấy đều nhận lấy Thánh Thần như hình lưỡi lửa đậu xuống từng người một, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác tùy theo Thánh Thần ban cho họ để loan báo những kỳ công của Thiên Chúa. Thánh Phaolô cho ta biết: “Thần Khí tỏ ra nơi mỗi người một cách là vì ích chung, nhưng mọi người cùng chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1Cor 7,7.13). Hoạt động của Chúa Thánh Thần đã có từ thuở đời đời, nhưng kể từ ngày lễ Ngũ Tuần thì 'thời đại Chúa Thánh Thần' đã khởi đầu: đức tin vào Chúa Giê-su và sức sống của Giáo hội là do nơi Ngài mà có.

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa và xin đốt lửa tình yêu Thiên Chúa trong lòng họ”. Hơn bao giờ hết, thời đại chúng ta cần cầu xin ơn nầy hơn cả vì ngày nay con người muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi địa cầu bằng luật pháp. Hiến pháp Liên Minh Châu Âu không có một dòng chữ để nói về nguồn gốc Kitô của đại lục nầy, vì họ muốn xây dựng một xã hội dân sự hoàn toàn thế tục; nhiều Bang và nhiều nước đã chấp nhận những điếu xem ra quái gở với giáo lý Kitô như ngừa thai, phá thai, ly dị, hôn nhân đồng tính, không thường xuyên dự lễ Chúa nhật. Chính sự rối rắm luân lý, lối sống hưởng thụ, xa rời phụng vụ và bí tích đã làm cho Thiên Chúa trở nên xa lạ, ý nghĩa cuộc đời và cùng đích con người bị biến dạng. Xin cho chúng con ơn kính sợ Đức Chúa: nhận ra Chúa hiện diện qua vũ trụ, qua mạc khải Kinh Thánh để rồi yêu mến và phụng sự Ngài hết lòng mình cho đến hết cuộc đời.

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Chúng ta lãnh nhận những ân điển Thánh Thần là để xây dựng cộng đoàn, để loan báo Tin Mừng chứ không phải chỉ để xài riêng cho mình thôi. Lối sống thực dụng đang tác động đến đời sống đạo của người Việt Nam: cái gì có lợi thì làm, còn những công việc mang tính phục vụ ‘vừa mất thời gian vừa khó nhọc’ thì xin nhường cho người khác; khi nào cần thì chạy đến Chúa van lơn cầu khẩn, xong việc thì chẳng còn bén mảng tới nhà thờ; lúc trẻ khỏe thì cứ lo kiếm tiền và buông thả đã, lúc nào già mới lo chuyện lập công với Chúa ...Nhưng hãy nhớ rằng mỗi người được Chúa Giê-su sai đi làm công việc Ngài muốn, mỗi người có những ân điển riêng để xây dựng cộng đoàn, đừng chôn vùi nén bạc Chúa trao cho từng người, vì Chúa sẽ tính sổ lại.

Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (được sách Công vụ 3,1-11) kể lại, ân điển đầu tiên phải kể đến là ơn hiệp nhất mọi dân tộc được quy tụ bởi Đức Kitô: ai nấy đều nghe các tông đồ nói tiếng thổ âm của họ để tôn vinh Thiên Chúa. Thật là trái ngược hoàn toàn với câu chuyện tháp Babel: không ai hiểu ai vì ngôn ngữ họ bất đồng, thế là họ phân tán khắp mặt đất. Chúa Giê-su đã tha thiết cầu nguyện xin cho mọi người môn đệ Chúa được hiệp nhất nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, hầu thế gian tin vào Thiên Chúa. Giáo hội đã cảm nghiệm sâu sắc rằng sự chia rẽ làm cho chứng từ Tin Mừng trở nên kém thuyết phục và làm buồn lòng Chúa Giê-su, nên luôn nỗ lực tái tạo sự hiệp nhất giữa những kẻ tin và dĩ nhiên Giáo hội xác tín rằng: hiệp nhất là ân điển của Chúa Thánh Thần mà mọi con cái phải tha thiết cầu xin. Đặc biệt, việc hoán cải các tâm hồn và nỗ lực truyền bá Tin Mừng để quy tụ mọi người thành 'một đoàn chiên duy nhât' là hoạt động của Chúa Thánh Thần, người trồng kẻ tưới chẳng là gì cả.

Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, một ân điển chúng ta phải cầu xin nữa là xin cho mình được dồi dào tình mến. Chúa Giê-su đã hỏi Thánh Phê-rô đến 3 lần: “Con có yêu mến Thầy không?” rồi mới trao quyền lãnh đạo cho Phê rô và mời gọi ông:“Hãy theo Ta”. Tiến trình đó cũng đang được lặp lại nơi từng người: phải có tình mến dồi dào ta mới có thể theo Chúa mỗi ngày được. Thánh Augustinô nói: “Hãy yêu mến trước đã, rồi muốn làm gì thì làm”. Vâng, chỉ có tình mến mới làm cho con người trở nên vĩ đại, dù cuộc đời họ xem ra rất bình thường!

Xin Chúa Thánh Thần luôn ở lại với chúng con, thúc đẩy chúng con xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đoàn, dù phải hy sinh bản thân; xin đốt lên ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa trong lòng Giáo hội và từng tâm hồn, để họ biết lấy tình yêu đáp lại tình yêu; và trên hết mọi sự, xin cho chúng con luôn tin tưởng vào tình yêu bao la của Thiên Chúa để đừng bao giờ thất vọng về tội lỗi của mình và anh em.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây