Giáo xứ Vinh Hương

Ở Kazakhstan, chính sách ngoại giao của Đức Phanxicô thách thức Nga và Trung Quốc

Thứ ba - 13/09/2022 21:01
Đức Phanxicô thăm hữu nghị Tổng thống Cộng hòa Kassim-Jomart Tokayev tại phủ tổng thống 13-09-2022.
Đức Phanxicô thăm hữu nghị Tổng thống Cộng hòa Kassim-Jomart Tokayev tại phủ tổng thống 13-09-2022.


Đức Phanxicô đang đến thăm quốc gia Trung Á trong một đại hội liên tôn. Một cuộc gặp đã được lên chương trình với thượng phụ Matxcova Kyrill sẽ không diễn ra.

Đức Phanxicô sẽ ở thủ đô Nur-Sultan từ 13 đến 15 tháng 9, ban đầu ngài mong gặp thượng phụ Kyrill để qua ông, ngài được Vladimir Putin mời đến Nga. Nhưng Kyrill không đến, cuối cùng thì Tập Cận Bình sẽ ở cùng thời gian với ngài ở Astana cũ, ngày thứ tư 14 tháng 9.

Không có cuộc gặp nào giữa chủ tịch Trung Quốc và giáo hoàng ở chương trình nghị sự chính thức. Nhưng sự vắng mặt của thượng phụ Kyrill và sự hiện diện của ông Tập là hai vấn đề ngoại giao đã làm cho Đức Phanxicô bị chỉ trích nặng nhất cả bên trong và bên ngoài Giáo hội, đó là do các tuyên bố gây tranh cãi của ngài về cuộc chiến ở Ukraine và thỏa thuận được Tòa thánh ký kết vào năm 2018 với Bắc Kinh trong việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc. Đối diện với các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc, theo những người gièm pha ngài, Đức Phanxicô đã cho thấy sự ngây thơ đồng lòng của ngài.

Đức Phanxicô đến đất nước Trung Á bao la, một cựu lãnh thổ của Liên Xô được giải phóng vào năm 1991, nhân dịp Đại hội VII các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới và truyền thống, trong buổi Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 11 tháng 9, ngài nói đây là “cuộc hành hương hòa bình”. Đại hội đầu tiên diễn ra vào năm 2003 theo sáng kiến của cựu tổng thống Nazarbaye (từ chức năm 2019) được tổ chức năm 2003, ông lo ngại cho sự ổn định tôn giáo trong khu vực sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9. Nhưng đây là lần đầu tiên một giáo hoàng đến đó. Phái đoàn của Vatican trong các kỳ đại hội trước do một hồng y dẫn đầu.

Một thất vọng

Chủ đề năm nay là vai trò của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời hậu đại dịch. Trong số một trăm phái đoàn hồi giáo, thiên chúa giáo, do thái, phật giáo, ấn độ giáo hoặc thần đạo, Đức Phanxicô sẽ gặp giáo sĩ Ahmed Al-Tayeb, thượng giáo chủ của Giáo hội hồi giáo Al-Azhar ở Cairo, người đối thoại đặc quyền của ngài trong thế giới hồi giáo sunni. Mặt khác, thượng phụ Kyrill, người đã là động lực để Đức Phanxicô đến Kazakhstan lại vắng mặt: ngày 24 tháng 8, tòa thượng phụ Mátxcơva thông báo thượng phụ sẽ không đến Nur-Sultan, nhưng không đưa ra lý do.

Đối với giáo hoàng, đây là một thất vọng. Kể từ cuộc xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 2, bằng mọi cách, ngài cố gắng để gặp Vladimir Putin, đề xuất các thiện chí để đạt được mục tiêu chấm dứt chiến tranh. ngài hy vọng có thể đến với tổng thống Nga qua thượng phụ Mátxcơva. Hai người đã gặp nhau tại Cuba năm 2016, đó là cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử. Và bây giờ dự án gặp lần thứ nhì bị thất bại. Một cuộc gặp dự trù vào tháng 6 vừa qua tại Giêrusalem cũng đã không thành. Thượng phụ Mátxcơva, người nhiệt thành ủng hộ cuộc chiến của Điện Kremlin khởi xướng không bằng lòng việc Đức Phanxicô nói ông là “nhân viên nhà nước” và “là người giúp lễ cho Putin”.

Cho đến mùa hè, giáo hoàng đưa ra lời mời đến Matxcova như điều tiên quyết để đến Ukraine, ngài nói với báo Corriere della Sera vào tháng năm: “Đầu tiên tôi phải đến Matxcova, trước hết tôi phải gặp Vladimir Putin.” Nhưng thứ tự này đã thay đổi. Ngày 30 tháng 7, khi rời Canada ngài tuyên bố: “Tôi đã nói, tôi muốn đến Ukraine. Chúng tôi sẽ xem tình hình khi chúng tôi về nhà.” Nhưng không có gì được thực hiện, dù ngài có buổi gặp đại sứ Ukraine ở Tòa Thánh ngày 6 tháng 8. Lý do chính thức có phải là do ngài đau đầu gối. Nhưng đó có phải là lý do duy nhất?

Kể từ ngày 24 tháng 2, các tuyên bố của Đức Phanxicô thường làm cho Ukraine khó chịu. Mặc dù kịch liệt phản đối chiến tranh, nhưng trên hết, ngài tránh đặt tên cho quốc gia xâm lược, sau đó đặt tên cho Vladimir Putin, trước khi ám chỉ NATO đã có thể thúc đẩy tổng thống Nga tấn công nước láng giềng Ukraine và những sai trái phải chia sẻ ở cả hai bên. Một giai đoạn gần đây đã làm cho đại sứ Ukraine phải phản ứng. Bốn ngày sau vụ ám sát cô Daria, con gái của nhà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Alexander Dougin tại Nga, Đức Phanxicô đã đau buồn trước cái chết của “cô gái bất hạnh này”, được xem là nạn nhân trong số những nạn nhân “vô tội” của chiến tranh.

Một thông báo bất thường

“Thật thất vọng”, nhà ngoại giao đã viết trên Twitter, còn Dmytro Kuleba, ngoại trưởng Ukraine thì nói, đồng bào của ông đã “đau lòng trước những lời của giáo hoàng”.

Để dập tắt ngọn lửa, ngày 30 tháng 8, Tòa Thánh đưa ra một thông báo bất thường, cho rằng Đức Phanxicô nói “để bảo vệ mạng sống con người” chứ không phải để có một “quan điểm chính trị”. Tuyên bố nói thêm, đối với cuộc chiến do Liên bang Nga bắt đầu, những can thiệp của Đức Thánh Cha là rõ ràng và dứt khoát khi lên án đây là cuộc chiến “bất công về mặt đạo đức, không thể chấp nhận, man rợ, vô nghĩa, đáng ghê tởm và vi phạm”. Tất cả các tính từ đã được ngài nói lên từ ngày 24 tháng 2.

Dù thượng phụ Kyrill vắng mặt, cuộc chiến ở Ukraine sẽ hiện diện trong chuyến đi Kazakhstan. Thứ nhất vì quốc gia này có đường biên giới với nước Nga còn dài hơn cả Ukraine, có một nhóm thiểu số lớn người Nga (1/5 đến 1/4 dân số) và một nhóm thiểu số Ukraine nhỏ hơn nhiều, chủ yếu là con cháu của những người Ukraine bị Stalin trục xuất, cũng như các quốc gia khác. Chính các cộng đồng người Ba Lan và Đức đã xây dựng các nhà thờ trong những năm 1990 sau khi Liên Xô tan rã. Nhưng, nhiều năm qua, nhiều người trong số họ đã trở về quê hương, vì thế số giáo dân cũng giảm dần.

Linh mục Guido Trezzani, giám đốc Caritas ở Kazakhstan khẳng định: “Hiện tại, xung đột chưa gây căng thẳng giữa các cộng đồng nói tiếng Nga và Ukraine này.” Giám mục Adelio Dell’Oro, giáo phận Karaganda, phía đông nam thủ đô cho biết: “Đã có một vài vấn đề lúc ban đầu.”

Cuộc xâm lược Ukraine đã gióng tiếng chuông báo động theo một cách khác. Các dân biểu và những người theo chủ nghĩa dân tộc nhân cơ hội đã đặt vấn đề hợp pháp của Kazakhstan trong tư cách là một nhà nước. Còn Kazakhstan thì không chấp nhận việc sáp nhập Crimea năm 2014 và Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev trong một diễn đàn ở Saint-Petersbourg trước sự hiện diện của Vladimir Putin đã lặp lại, ông sẽ không công nhận cả hai “nước cộng hòa nhân dân” Luhansk và Donesk, ở Donbass.

Một bên là Nga, một bên là Trung Quốc: Kazakhstan buộc phải thỏa thuận với hai nước láng giềng khổng lồ của mình. Nga vẫn là nước đóng vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh của nước này. Tháng 1 vừa qua, tổng thống Kazakhstan cũng đã kêu gọi, thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể – một liên minh quân sự do Matxcova thống trị – để trấn áp bạo loạn và củng cố quyền lực của mình chống lại gia tộc hùng mạnh của người tiền nhiệm Nazarbayev.

Trung Quốc ngày càng nặng về kinh tế ở Trung Á. Kazakhstan, ngoài việc là một điểm qua lại quan trọng, còn là nước cung cấp thiết yếu hydrocacbon và các khoáng chất khác nhau.

 Sự suy yếu trước sức mạnh của Trung Quốc

Trong chương trình nghị sự chính thức của giáo hoàng, một loạt “các cuộc gặp riêng với một số nhà lãnh đạo tôn giáo” đã được lên kế hoạch vào ngày thứ Tư. Tin tức về sự hiện diện của ông Tập ngày hôm đó ở Nur-Sultan đã làm dấy lên nhiều đồn đoán. Vì Trung Quốc là quốc gia vĩ đại khác mà Đức Phanxicô mơ có ngày đến đó, dù Tòa thánh không duy trì quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh (nhưng có một số quan hệ với Đài Loan).

Theo những người chỉ trích đường lối ngoại giao của giáo hoàng Argentina, mong muốn này được ngài bày tỏ nhiều lần đã làm cho Tòa thánh tỏ ra yếu thế trước cường quốc Trung Quốc và đã tăng áp lực lên các cộng đồng kitô giáo trong những năm gần đây.

Những người chỉ trích này nhấn mạnh thỏa thuận – nội dung vẫn còn bí mật – được ký kết năm 2018 giữa Tòa thánh và Bắc Kinh về thủ tục bổ nhiệm giám mục. Nhằm mục đích kết hiệp  các giáo sĩ Trung Quốc, bị chia rẽ giữa một Giáo hội “ngầm”, từ chối phục tùng nhà nước-đảng và một Giáo hội “yêu nước”, phục tùng chính quyền. Trung Quốc bổ nhiệm các giám mục “yêu nước”, còn các giám mục “ngầm” chỉ hợp pháp với Rôma, họ phải chịu áp lực và trấn áp.

Sau khi ký kết hiệp định này, cũng nhằm bảo vệ người công giáo Trung Quốc, Đức Phanxicô đã công nhận một số giám mục do Bắc Kinh bổ nhiệm. Tạm thời, thỏa thuận đã được gia hạn lần đầu tiên vào năm 2020. Các cuộc đàm phán đang được tiến hành để có thêm gia hạn vào tháng 10. Tòa thánh hy vọng sẽ sửa đổi nó, Bắc Kinh tái chấn chỉnh.

Một tình huống khác khiến Vatican lo ngại: tại Hồng Kông, phiên tòa xét xử hồng y Joseph Zen, giám mục danh dự của thành phố và là người chỉ trích gay gắt thỏa thuận với Bắc Kinh sẽ bắt đầu vào ngày 19 thàng 9. Ngài là người bảo vệ tự do tôn giáo, bị bắt một thời gian ngắn ngày 12 tháng 5, cùng với bốn nhà hoạt động ủng hộ dân chủ. B2 .

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây