Giáo xứ Vinh Hương

Người phụ nữ tội lỗi - Audio

Thứ sáu - 14/06/2013 08:51
- Suy niệm Chúa nhật XI Thường niên
Người phụ nữ tội lỗi
Chuyển ngữ: Hữu Chánh
Thể hiện: Minh Quân
 
 
/


 

1."Nếu ông này là một nhà tiên tri ...".
 
Chúa Giêsu làm dấy lên nhiều bận tâm của những người Pharisêu. Họ tìm nơi Ngài sự chuẩn mực thánh thiện, và việc rao giảng của Ngài về Nước Thiên Chúa thu hút nhiều người. Nhưng có những điều làm họ hoang mang: một trong số đó là việc Ngài dễ dàng gần gũi với người tội lỗi. Đây là điều làm phiền ông Simon, một người Biệt Phái đã mời Chúa Giêsu dùng bữa. Khi ông mời Chúa Giêsu ăn tối, động cơ của ông có lẽ là vì tò mò. Ông muốn nghe những gì vị giáo sĩ Do Thái mới này rao giảng. Nhưng ông lại thiếu cởi mở chân thành với Chúa Giêsu. Nếu ông cởi mở, ông đã có thể hỏi Ngài nhiều điều. Nhưng ở đây, ông lại nghĩ đến một cái gì đó đại loại như: "Nếu ông này là một nhà tiên tri thì ông ta phải biết về người phụ nữ này, tôi nghi ngờ ..."

Đôi khi chúng ta hành động như Simon. Chúng ta có những định kiến ​​về hành vi của Thiên Chúa. "Nếu Thiên Chúa thực sự yêu tôi, thì Ngài sẽ làm điều này hoặc điều kia cho tôi...". Khiêm tốn là nền tảng cho mối tương quan sâu sắc với Chúa Giêsu Kitô.
 
2."Một chủ nợ kia có hai con nợ ...".
 
Chúa Giêsu cố gắng thức tỉnh Simon để ông hiểu về tình trạng thực sự của mình trước mặt Thiên Chúa. Ngài kể một dụ ngôn để ông suy nghĩ. Câu chuyện về mắc nợ và không có khả năng trả nợ, có ý giúp Simon (và cả chúng ta) phải suy nghĩ về tình trạng của mình trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu hỏi ông Simon một câu dễ dàng vào cuối câu chuyện: "Trong hai người ấy, ai sẽ yêu mến chủ nợ nhiều hơn"? Nhưng câu trả lời của Simon – Người được tha nhiều hơn – làm nảy sinh một câu hỏi mới: Ai thực sự là con nợ lớn nhất? Ở đây, có thể có hai câu trả lời, từ quan điểm của chúng ta. Nếu "nợ" là "tội lỗi" thì người phụ nữ rõ ràng là chịu ơn nhất. Nhưng trong công thức của dụ ngôn, trong đó "Thiên Chúa là chủ nợ", vậy có loại nợ nào? Không phải là tội lỗi, tất nhiên, nhưng là ân huệ, là khả năng, là những cơ hội ta nhận được. Nhìn từ góc độ này, ai là con nợ lớn nhất? Simon! Ông là một người Biệt Phái, tức là, một người đã nhận được một nền giáo dục tôn giáo. Còn người phụ nữ, có lẽ là một cô gái điếm, đang ở trong tình trạng bấp bênh. Sự trớ trêu đáng buồn là, trong trường hợp của Simon, người đàn ông với các khoản nợ lớn nhất, lại là một người thiếu tình yêu nhất, được biểu lộ rõ ràng bởi sự thiếu nhã nhặn với Ðức Giêsu.

Chúng ta sẽ là gì nếu không có ân sủng của Thiên Chúa? Tôi có tạ ơn Chúa vì tất cả các ân huệ và khả năng mà tôi đã được lãnh nhận? Tôi có tỏ lòng biết ơn bằng một tình yêu nồng nàn?
 
3. "Tội lỗi của con đã được tha".
 
Người phụ nữ trong trình thuật này là một ví dụ về sức mạnh biến đổi của tình yêu Chúa Kitô. Cô mang gánh nặng của một cuộc sống tội lỗi khiến tâm hồn cô khao khát chân lý và sự tốt lành. Khi cô nghe Chúa Giêsu rao giảng lần đầu tiên, chúng ta có thể hình dung niềm hy vọng to lớn của cô về một cuộc sống tốt lành hơn. Khi tỏ hiện theo cách riêng của mình trong nhà Simon, trái tim tan nát của cô cần được chữa lành. Trong sự thúc đẩy của tâm tình ăn năn, nước mắt cô tuôn trào và rửa chân cho Chúa Giêsu. Khung cảnh thật xúc động! Trái tim của Chúa đã cảm động! Ngài được an ủi khi nhìn thấy kết quả nhãn tiền của sứ mệnh đem lại ơn tha thứ và ơn cứu rỗi cho thế giới.

Ý nghĩa tuyệt diệu và lòng biết ơn này phải thấm nhuần vào tâm hồn chúng ta mỗi lần tìm đến với bí tích hoà giải. Cuộc sống tràn đầy tình thương yêu phải là một dấu hiệu minh chứng cho trải nghiệm về ơn tha thứ của Chúa Giêsu.
 
Lạy Chúa Giêsu, con mắc nợ Người tất cả.
Người đã cho con cuộc sống, đức tin và mọi sự con có.
Món nợ không bao giờ con có thể trả hết!
 
Hữu Chánh - Theo “La femme pécheresse” (catholique.org)
 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây