Giáo xứ Vinh Hương

Nhìn lại lòng mình

Thứ sáu - 17/05/2013 18:23
Tại sao không thể làm bạn được với những tên tội đồ ưa góp ý về cách hành xử thiếu nhân bản của mình?
Lửa Thánh Linh
Lửa Thánh Linh
 
(Suy niệm Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 2013)
 
"Bình an cho anh em! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em".Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Anh em cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại."

Đoạn Tin Mừng ( Ga 20,19-23) của Lễ Hiện Xuống này, được xem như một tuyên ngôn khai sinh một Hội Thánh của Chúa Giêsu mang tên Hội Thánh được sai đi để ban ơn tha thứ, cứu độ. Hội Thánh đã lãnh nhận ơn Bình An qua sự đặt tay của Chúa Giêsu, giờ phải ra đi, và mang Bình An của Chúa Thánh Thần đến với mọi người, để bình an ấy trở nên niềm vui hạnh phúc cho con người, hôm nay và mai sau: Bình an của người được thứ tha và cứu rỗi.

Người được sai đi phải ra đi

Hội Thánh phải ra đi. Đã đến lúc phải hiểu ra đi theo nghĩa trước tiên là “ra khỏi cái vỏ ốc, ra khỏi cái cái tháp ngà Baben của mình, để đi đến với cuộc đời”. Cụ thể hơn là ra khỏi cái tôi, cái ngôi quyền thế chức vị vô ích của mình đi để làm một điều gì có ích cho đời hơn là chễm chệ trên cái tôi ấy mà “mackeno”, sống chết mặc ai. Nếu còn là con người có lương tri hẳn đã phải chạnh lòng trước bao nỗi đau khổ, nhục nhã, hàm oan của bao người. Nếu là một Kitô hữu có niềm tin và lòng yêu mến Thiên Chúa, hẳn càng phải chạnh lòng hơn nữa trước bao nỗi đau thiếu vắng niềm tin, thiếu vắng sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng người, trong xã hội hôm nay. Vâng, phải ra khỏi cái “tôi lô cốt” kia, và đặt mình trong hoàn cảnh sống của người khác, vẫn luôn là một thách đố cho người tín hữu, cho cả Hội Thánh.

Có đi mới có đến

Địa chỉ đến phải là địa chỉ của Thánh Thần hướng dẫn, không phải địa chỉ của sở thích hay ước muốn riêng tư. Bởi vậy mới có câu kinh: “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm.” Không xin sáng soi cho biết “việc thích làm”. Khi đã đến, hẳn không chỉ đến qua loa “xem nơi người ở” mà còn để “ở lại với người”.

Đến để nói những gì?

Vâng, ra đi để nói Lời của Thiên Chúa, để làm cho Lời Thiên Chúa cư ngụ giữa cõi lòng con người, sinh hoa kết quả là đời sống công chính. Phải làm cho Lời Chúa nhập thể và nhập thế trong lòng người, trong các gia đình, trong xã hội, để nơi ấy, trổ sinh ơn tha thứ, bình an hoan lạc mới là mục đích cuối cùng của Thiên Chúa.

Và phải nói ngôn ngữ nào đây?

Muốn cho Lời Thiên Chúa được nghe, được đón nhận, hẳn phải nói đúng ngôn ngữ của người mình nói với. Dùng ngôn ngữ bản xứ là Việt, Anh, Nhật hay Trung, thiết tưởng chưa quan trọng bằng sử dụng “ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần” đó là “yêu thương, cảm thông và tha thứ”. Nhờ loại ngôn ngữ này mà những người đau khổ, thấp kém, bình dân, ít học, cá biệt, kể cả người vô thần có quyền lực, có tiền bạc hay kẻ chống lại Thiên Chúa cũng có thể nghe được Lời Thiên Chúa. Trong xã hội ngày nay, Lời của Thiên Chúa sẽ thực sự lạc lỏng, nếu người nói bằng cung cách phán truyền thiếu cảm thông, ra lệnh thiếu yêu thương, xử phạt thiếu khoan dung tha thứ.  

Nhìn lại việc thực hành lệnh truyền sai đi, có thể trong chúng ta đã có nhiều thái độ thiếu chân thành với Thánh Thần.

- Tại sao Thánh Thần sai mà không chịu đi? Lại phải đòi hỏi Thánh Thần sắm đủ phương tiện mới đi được? Đến khi có phương tiện rồi, thì lại dùng phương tiện đi lạc địa chỉ, không đúng địa chỉ mà Chúa Thánh Thần muốn chúng ta đến!

- Tại sao Thánh Thần bảo mà không chịu làm? Lại trả treo với Thánh Thần rằng bảo điều gì mình thích làm, thì việc làm mới có hiệu quả! Có phải là chúng ta đã xem sự khôn ngoan của mình quá lớn chăng?

- Tại sao lâu lâu lại nghe chuyện nực cười: “Đức Cha không phải là Thánh Thần, tôi đang ở giáo xứ này với bao công trình dang dở, không thể thuyên chuyển tôi đi đâu cả”. Hoặc “Con cảm ơn Đức Cha, trâu to sai về cày ruộng nhỏ, con đành chịu”…

Nhìn lại việc đến với người bằng tình yêu thương cảm thông tha thứ, hẳn chúng ta phải xấu hổ vì chúng ta đã bịt tai bịt miệng như bao người tự làm mình câm điếc kia trước bao Sự Dữ hoành hành. Nếu đã đến với người bằng tình yêu thương cảm thông tha thứ, thì thiết tưởng, hãy nghe cho rõ tiếng của những người ăn mày tự do đang gào thét, người hành khất công lý đang gõ cửa, người đói khát nhân quyền đang rên la, kẻ yêu sách chủ quyền đang le lưỡi nghẹn lời dưới gót chân đàn áp, người tù tội oan sai đang rên rỉ đếm ngày tính đêm trong ngục tối u sầu, nghe tiếng những người nghèo đang tranh giành nhau chút gió trời ở những khu ổ chuột oi bức… và nhất là tiếng của những người đau khổ vì tội lỗi, khát khao sống đời công chính.

Tại sao Chúa Thánh Thần bảo yêu mà không yêu được? Lại phải chọn lựa người mình yêu sao cho có lợi phần mình? Tại sao không thể yêu được những người thấp bé, nghèo hèn, không tiền không bạc trong Hội Thánh, trong xã hội? Tại sao không thể làm bạn được với những tên tội đồ ưa góp ý về cách hành xử thiếu nhân bản của mình khi bản thân mình được ơn “phục vụ” chứ đâu phải là ơn “được phục vụ”?

Nhìn lại việc đem Lời Tình của Thiên Chúa, Lời bình an và ơn tha thứ đến với con người, có lẽ càng phải đấm ngực nhiều lần hơn nữa. Bởi lẽ chúng ta chưa thực sự muốn ơn bình an và tha thứ đến với mọi người, chưa thực sự muốn làm cho Thiên Chúa được vinh danh, chưa thực sự muốn làm cho tình yêu của Thiên Chúa được đươm hoa kết trái nên vẫn cứ ậm ừ trong một khuôn khổ.

Hôm khánh thành Nhà thờ Họ đạo Đảo Phú Quý, có người hỏi: “Đảo Phú Quý có 160 tín hữu mà xây nhà thờ to thế”. Có câu trả lời: “Phú Quý hiện có 27.000 ngư dân. Tôi nghĩ có bao nhiêu con người tin ở Ông Trời, là có bấy nhiêu tín hữu. Bởi nơi đây không chỉ là nơi cầu Trời ban bình an cho ngư dân Công giáo, mà còn là nơi cầu khẩn của tất cả ngư dân trên biển thành tâm đến với ông Trời.”

Vừa nghe câu nói này vào buổi trưa, thì buổi tối, tôi vui mừng thấy là có rất đông lương dân (dân tốt lành, lương thiện) kéo đến thăm Nhà Thờ mới. Họ vào tận bên trong nhà thờ. Người rờ chân Mẹ Maria, kẻ nắm tay Thánh Giuse, có người chỉ lên Thánh Giá Chúa Giêsu: “Xem kìa, ông Chúa bị đóng đinh để cứu đời!” Ai dẫn dắt họ, ai mở miệng họ, nếu không phải là Chúa Thánh Thần. Như thế, công trình ở Họ đạo Đảo Phú Quý chẳng phải là cộng tác với Chúa Thánh Thần đấy sao?

Tại sao không thể mang lời tình yêu thương của Chúa đến với dân nghèo bằng chính việc mình đi đến với họ, mà phải đợi họ đến để cầu khẩn van xin? Ngay trong giáo xứ, có những người bê trễ, biếng nhác, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm, sống trong tình trạng rối rắm… tại sao không thể đến với họ an ủi, giúp họ trở lại đời sống bình an mà phải đợi họ đến với mình?

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã sai Chúa Thánh Thần đến trong trần gian. Xin cho chúng con đón nhận Chúa Thánh Thần và chấp nhận Ngài soi sáng chúng con trên hành trình “ra khỏi cái tôi của mình, đi đến địa chỉ của Ngài hướng dẫn, can đảm nói lời yêu thương bình an và thứ tha của Thiên Chúa cho mọi người”. Amen.

Tác giả bài viết: PM Cao Huy Hoàng

Nguồn tin: www.emty.org

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây