Giáo xứ Vinh Hương

Cùng nhau gánh vác

Thứ năm - 11/10/2012 23:23
Cùng nhau gánh vác
Cùng nhau gánh vác

Tôi còn nhớ đã đọc ở đâu đó một nhận xét “lạ” rằng: “Đối với người Âu Mỹ, khi họp bàn một vấn đề gì đó thì tranh luận sôi nổi, họp xong thì thống nhất ý kiến, đến khi triển khai thì mọi người thống nhất và cùng bắt tay thực hiện. Còn người Việt mình khi họp bàn thì “nhất trí” cao, cùng giơ tay biểu quyết đồng ý tất tần tật, đến khi họp xong mới bắt đầu tranh luận, lúc triển khai thì mỗi người một ý!”

Nhận xét trên có thể còn hơi “bị méo mó” đôi chút, nhưng thực tế là vậy. Từ họp “cơ quan đoàn thể” đến “chính sự xã thôn”, từ việc đạo đến việc đời, “người nhà mình” thường ngại nói lên “chính kiến” riêng, vì sợ nói sai, sợ mất lòng, ngại đụng chạm và còn tệ hơn, sợ “không đúng ý lãnh đạo” để bị chụp cho cái mũ “chống đối”, “gây chia rẽ”, “thiếu tinh thần xây dựng” .v.v… Thực ra không phải vậy, mà chỉ vì “người nhà mình” không có thói quen nghe những ý kiến không giống mình. Trời cho 2 lỗ tai để nghe “hai chiều” nhưng mình lại quen nghe những “chúc tụng”, những “ngợi khen” nên quên dần những “phản biện” thường khi lại có ích hơn. Từ “quen nghe” đến “quen nói”, rồi “chỉ nói” là điều tất yếu, đường ranh giới chỉ là đường kính của tiết diện … sợi tóc.   

Từ đó, trong hầu hết những “đại hội” được tổ chức "tưng bừng", "hoành tráng", nếu tính chính xác thời lượng các “phát biểu” ta sẽ thấy, ngoài vài diễn văn của “đoàn chủ toạ”, phần lớn là “văn tả cảnh” của người … dẫn chương trình. Cho nên, kết cục bao giờ cũng “thành công tốt đẹp” mà hậu quả là khi đem “nghị quyết” ra thực hiện lại “tranh luận sôi nổi”, “cãi nhau chí choé” dẫn đến những hệ luỵ đáng tiếc. Hãy ... “nếm thử mà xem”.

Thiết nghĩ, xảy ra hiện tượng trên vì “người Việt mình” còn thiếu hai yếu tố quan trọng khi làm việc chung với nhau:

- Thiếu “đức tin”: Câu hát “không tin nơi nhau, thế ta định nhờ ai dẫn đầu?” chắc là đúng trong “mọi nơi, mọi lúc”. “Quan” không tin “dân”, “dân” cũng chẳng tin nhau thì không ai dám lên tiếng “góp ý” để cùng nhau tìm ra giải pháp tối ưu cho công việc, dẫn đến tình trạng từ “việc ai nấy làm” thành … “mạnh ai nấy làm”. Khi làm việc chung cần phải tin tưởng nhau và bớt đi những tị hiềm để “gánh” của mỗi người sẽ đỡ “nặng” hơn. “Cùng nhau gánh vác” thì “ai cũng hiểu chỉ … nhiều người không hiểu” nên mới có nhận xét “võ đoán” như phần mở bài trên chăng?

- Thiếu “lòng”: Đức Kitô đã dạy “loài người ta” về bản lĩnh và lòng yêu thương bằng chính cuộc sống của Người. Mắng Phêrô là “đồ quỉ” vì “tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33), nhưng lại tin tưởng trao cho ông quyền lãnh đạo Giáo Hội do chính Người lập ra. Trong lịch sử, những bậc “minh quân” luôn luôn là những vị có lòng độ lượng và bản lĩnh, ngay cả đối với kẻ thù. Đức tính cần có khi tranh luận là độ lượng bao dung, và bớt đi những tự ái lụn vụn. Có thế mới “bình tĩnh”, mới “tự tin” mà “lắng nghe và thấu hiểu” nhau. Nếu thiếu “lòng”, một vài “mâu thuẫn tất nhiên” trong lúc làm việc chung sẽ dẫn đến “loại trừ nhau” không xa lắm.

Mỗi người chỉ nhìn được sự việc từ góc độ nhận thức hạn hẹp của mình, trong khi bản thân mọi sự việc lại là một thực thể “đa diện – đa giác”. Tổng hợp được mọi khía cạnh cho “nó”, mới gọi là cái nhìn “toàn diện”, từ đó, hiệu quả thực hiện bao giờ cũng “toàn vẹn” hơn. Cứ “làm việc đi không lo khen chê, làm việc đi hãy say và mê”, cứ “bắt tay gan lì” mà cùng nhau “chúng ta giải quyết”, đừng “ngồi đây nghĩ lo viễn vông” vì cứ mãi “thắc mắc ngại ngùng” thì “đến khi nào mới làm xong” !!!

Xin mượn “nhận xét” về “người nhà mình” của cụ Nguyễn Văn Vĩnh để kết cho “cái sự” “lạm nghĩ” này: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì, phải cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang” (Gì cũng cười, Nguyễn Văn Vĩnh, Đông Dương tạp chí, 1913).
 

Tác giả bài viết: Vương Hinh

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây