Giáo xứ Vinh Hương

Tấm Linh Hồn

Thứ bảy - 03/11/2012 17:10
Tấm Linh Hồn

Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đó với Con, để chúng chiêm ngắm vinh quang mà Cha đã ban cho Con” (Ga 17,24). Điều Chúa Giêsu muốn mạc khải ở đây là mỗi người đều có linh hồn bất tử. Linh hồn bất tử làm nên bản thể của con người. Các tôn giáo đều tin vào sự bất tử của linh hồn.

Những đứa trẻ, con cái của chúng ta, tuy đã học giáo lý nhiều năm, nhưng trong tiềm thức của chúng, chưa chắc chúng đã tin thực sự vào 4 sự sau  (chết, phán xét, thiên đàng, hỏa ngục) hoặc tin vào thuyết luân hồi của Đạo Phật mà chúng nghe ở đâu đó. Chẳng ai trong chúng ta cảm nghiệm được những thực tại đời sau, niềm tin của đạo Kitô dựa vào mạc khải của Con Thiên Chúa làm người, và Lời của Ngài không thể sai lầm được. Nếu một Kitô hữu mà còn nghi ngờ giá trị mạc khải của Kinh Thánh và những tín điều Giáo hội công bố thì chẳng biết nói gì với họ về công trình tạo dựng và cứu chuộc, và nhất là về sự sống đời sau.

Tin vào sự tồn tại bất tử của linh hồn quyết định và làm nên một lối sống. Nếu tin có linh hồn thì tôi không được làm hại anh em, không được sống buông thả, không được giết người bằng hành động phá thai.  Môi trường luân lý của xã hội Việt Nam đang nhức nhối về chuyện phá thai mỗi năm đến khoảng 3 triệu và chuyện sống thiếu lương tâm trách nhiệm trong công việc. Thân xác con người sẽ mục nát nhưng đáng cho ta trân trọng, vì thân xác thánh thiêng nầy sẽ sống lại trong ngày sau hết – kết hợp với linh hồn để hưởng vinh quang Chúa tặng ban. Thật đáng vui mừng khi những nghĩa địa của các giáo xứ ngày càng khang trang và nhiều người lui tới, vì ‘nghĩ tới cái chết là cách tốt nhất để sống xứng đáng một con người’. Nhưng thật đáng tủi hổ khi những nghĩa địa thai nhi ngày một lớn và nhiều hơn, vì nó là một lời tố cáo xã hội về một tội ác đáng bị lên án: “Ngươi không được giết người” (Xh 20,13).

Để hiểu về hành vi nhân linh, xin đan cử một câu chuyện: Một người dắt con bò vào ruộng lúa của người khác, con bò phá hại hoa màu; người chủ vườn biết chuyện và bắt người đã dắt bò chịu trách nhiệm – chứ không phải con bò, vì chỉ con người có linh hồn mới có khả năng chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Sống kiếp lữ hành trên trần gian, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về những tư tưởng, lời nói và hành vi của mình, và Chúa sẽ xét xử họ trong hai cuộc xét xử: phán xét riêng khi họ lìa đời và phán xét chung vào ngày tận thế. Có một vị vua muốn được sống khôn ngoan trong địa vị mình, đến gặp một vị ẩn sĩ để xin một lời khuyên. Vị ẩn sĩ bảo vua: mỗi buổi sáng thức dậy, vua hãy lặp lại với chính mình ‘tôi phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về những việc làm trong ngày hôm nay – có vậy vua mới tránh được những cạm bẫy của một vị vua thường gặp’.

Thi sĩ Tagore đã có những vần thơ bất hủ về sự hướng vọng của linh hồn về cõi thiên đàng:

                                    Như đàn hạc hoài hương
                                    Bay thẳng về tổ ấm
                                    Nguyện đời con phiêu diêu
                                    Qua vùng trời thăm thẳm
                                    Lên tận chốn thiên đường
                                         (x. Gitanjali, 103)

Lạy Chúa,

Dẫu biết rằng Chết là bước qua ngưỡng cửa để vào cõi sống,

nhưng con vẫn sợ chết, vì e rằng con sống chưa trong sạch và thanh cao như lòng Chúa muốn, và con sợ sự phán xét công thẳng của Chúa.

Xin cho tình yêu mến và lòng tin tưởng vào sự từ nhân của Chúa mạnh hơn sự sợ hãi, vì thực ra công phúc của con đều bởi lòng nhân lành Chúa ban.

Vì như đứa con nhỏ trong nhà luôn được mẹ cha thương mến, dành mọi tình cảm và hy sinh, để lại cho cả gia tài, dù nó chẳng có công trạng gì …

Thật hạnh phúc khi nghe Lời Chúa nói:

“Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa thì hãy còn Thiên Chúa đón nhận con” (Tv 27,10).

Các ngươi tuy là ác mà còn biết lấy của lành cho con cái mình, huống hồ là Cha các ngươi trên trời (Lc 11,13).

Đừng sợ, hỡi đoàn chiên bé nhỏ, Cha trên trời sẽ khứng ban nước trời cho các con (Lc 12,32).

(Gợi hứng từ bài giảng của cha Phaolô Nguyễn Công Minh, Thánh lễ tại nghĩa trang 2/11/2012)

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây