Giáo xứ Vinh Hương

Sống đạo

Chủ nhật - 02/09/2012 07:02

Sống đạo


Bài Tin Mừng Chúa nhật 22 TN B (Mc 7,1-8.14-15.21-23) nói về việc tuân giữ lề luật, về đời sống đạo thế nào cho đúng ý Chúa. Đã nhiều người đặt câu hỏi: ‘Tại sao Giáo hội Việt Nam không phát triển được, cứ giữ mãi tỷ lệ 7%, dù rất siêng năng kinh kệ và có một truyền thống tử đạo rất anh hùng?’ – Câu trả lời đúng có lẽ là: “Lỗi tại tôi mọi đàng, vì đời sống đạo của chính mình chưa tốt”.
 
Những người lớn tuổi thường ‘chép miệng’ mỗi khi nghĩ lại nếp sống đạo xưa kia, của thập niên 50-70, sáng tối đến nhà thờ đọc kinh rất dài và học giáo lý đến thuộc làu làu… vì thuở ấy làm gì có tivi và các giải trí khác, thuở ấy môi trường luân lý còn tinh sạch lắm. Thời gian tiếp đó, kinh tế ổn định hơn, cuộc sống đã nhuốm bụi trần với những cuộc ăn chơi và hưởng thụ vật chất, Giáo hội đã có nhiều tai tiếng vì can dự vào thế quyền.  Biến cố 75 xảy đến. Đa số người dân xem đây như một điều không mong muốn cho những tiền đồ kinh tế và đạo giáo, nhưng có người lại nhận ra biến cố nầy như một dấu phẩy cần thiết cho một câu văn tối nghĩa, một dấu lặng cần thiết cho dòng nhạc tâm linh và đạo giáo, một cơ hội cần thiết để mỗi người xác định lại cách sống đạo đích thật mà Chúa mong muốn. Biến cố 75 được ví như trận cuồng phong vĩ đại cho đạo giáo, nó mang đến quan niệm sống duy thần – duy vật, mọi người được dạy cho biết nhìn tôn giáo như ‘con quái  vật’, là mê tín dị đoan cần phải loại trừ, cần phải nhốt lại trong nơi thờ tự, cần phải chặt hết những biểu hiện của nó như trường học, bệnh viện, trại phong, cô nhi viện …để xã hội khỏi bị nhiễm độc. Những năm tiếp theo là những năm xây dựng đất nước theo mô hình XHCN và tái thiết sau chiến tranh, toàn dân rơi vào tình trạng đói khổ. Đây cũng là môi trường thuận lợi cho những mầm độc luân lý xuất hiện: đức công bằng, thật thà, sống có nhân cách và có lý tưởng… bị thử thách nặng nề trước giặc nghèo, giặc đói và giặc dốt. Khoảng 1990, đất nước đã khá hơn sau chính sách đổi mới năm 1986 của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, các gia đình tan vỡ và cuộc sống vật vờ không lý tưởng của đa số người dân như hậu quả tất yếu của một xã hội duy vật. Biến cố phong Thánh cho 117 vị Tử Đạo Việt Nam dường như cũng không ngăn chặn nổi đà suy thoái luân lý, vì 7 người làm sao kéo nổi 100 người, chưa kể đến việc người có đạo còn bị đồng hóa và nhiều người đã trở thành vô đạo hơn cả người lương dân. Nhưng đáng kể hơn có lẽ là biến cố toàn cầu hóa, ngày Việt Nam gia nhập WTO, một trận cuồng phong luân lý đã ào qua đất nước tôi, cả điều hay và rất nhiều rác rến. Ở những giáo hội khác, người ta thường chuẩn bị khá chu đáo cho mọi thành phần dân Chúa biết cách tránh ‘bão’, nhưng ở Việt Nam thì sự chuẩn bị không được nhiều, vì thiếu nhân sự và điều kiện, và đó là thiệt thòi mà con cháu đã hứng chịu nhiều rác hơn những nơi khác. Người ta phải lắc đầu khi nhìn những con số thống kê về văn hóa của Việt Nam: phá thai, ly dị, quán nhậu, trộm cắp, buông thả về tình dục, bạo lực gia đình, học hành, vô cảm… dĩ nhiên trong đó có cả người có đạo.
 
Đã đến lúc mỗi người phải ngồi lại với nhau để nói với nhau những tiếng nói xây dựng đạo lý cho phù hợp với luật Chúa. Phải biết tự xét mình, hồi tâm và xưng thú tội lỗi, vì tôi có phần trách nhiệm trong sự sa ngã của anh em tôi. Năm Đức Tin sắp khởi đầu, một cơ hội thuận tiện để tìm hiểu nền tảng của niềm tin, sống mối liên hệ tốt với Thiên Chúa và anh em. Thật khó truyền giáo khi chúng ta chỉ còn rất ít cơ hội diễn tả vẻ đẹp của niềm tin: bằng cuộc sống, lời cầu nguyện, những tiếp xúc riêng tư, những hoạt động bác ái, hy vọng một ngày nào đó chúng ta có thể đóng góp xây dựng quê hương bằng những hoạt động bác ái từ thiện và giáo dục, lúc ấy tôn giáo chúng ta mới trở nên dễ hiểu hơn cho mọi người.
 
Mười điều răn Đức Chúa Trời và 5 điều răn Hội Thánh là những quà tặng giúp ta lên đường bình an, hãy tuân giữ với lòng yêu mến, đừng tuân giữ để khỏi bị hình phạt. Đừng trấn át lương tâm bằng việc kinh kệ và rước lễ mà quên mất hai giới luật chính yếu là mến Chúa yêu người, như lời Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Thảm trạng lớn nhất của con người thời đại là mất cảm thức về tội”. Các vị Chủ chăn đừng lấy làm mừng khi con cái mình siêng năng rước lễ mà tòa giải tội lại vắng tanh, hãy làm thế nào để con cái mình năng đến lãnh bí tích hòa giải, noi gương Thánh Gioan Vianey là quan thầy của các linh mục.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây