Giáo xứ Vinh Hương

Lời chứng

Thứ tư - 10/04/2013 09:05

.

.
- ‘yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như Chúa đã yêu’ mới là điều khó, và đó là điều người Kitô hữu cần làm chứng.

Maria Macđala được gọi là người chứng thứ nhất, vì theo Tin Mừng Thánh Gioan, bà đã đi ra mồ từ sáng sớm tinh mơ để thăm mộ và xức dầu thơm cho Chúa. Chúa đã hiện ra, đã gọi tên bà và sai bà đi báo tin cho các môn đệ. Liền sau đó, bà đã vội vã trở về nói với các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”. Lời chứng của bà Maria có một tác động rõ rệt là cả hai môn đệ Phêrô và Gioan cùng vội vàng chạy đến mồ để xem thực hư thế nào (Ga 20,11-18).

Thật khó cho chúng ta phải làm chứng cho Chúa một cách rõ ràng như lời chứng của bà Maria, vì chúng ta chỉ thấy Chúa bằng đức tin và nhiều khi chúng ta khó mà nhận ra sự hiện diện của Chúa ngay trong cuộc sống. Chúng ta thường oằn lưng vì gánh nặng nuôi dưỡng và giáo dục con cái, vì những luật lệ và những bất toàn của xã hội, vì bệnh tật và những đau khổ. Ngay những xã hội rất tiến bộ như Hàn Quốc và Thụy Điển, tỷ lệ người trẻ tự tử rất cao – cao hơn cả những nước kém phát triển, vì người trẻ không thấy ý nghĩa cuộc đời và chỉ thấy đời là một bể khổ triền miên.

Nhiều người Kitô hữu cũng mất đức tin, không còn tin vào Chúa nữa, nhất là khi đối mặt với thử thách gian truân. Có một hối nhân đến tòa giải tội và thú nhận rằng mình đã mất đức tin. Cha giải tội có lời khuyên: “Muốn phục hồi niềm tin, mỗi tối con hãy cầu nguyện một cách đơn giản: tạ ơn Chúa vì một ngày đã qua, đọc một kinh lạy Cha, kính mừng và sáng danh, dâng giấc ngủ cho Chúa… và rồi con sẽ tìm lại được đức tin”.
 
Chúa luôn hiện diện trong Lời và trong Thánh Thể. Muốn phục hồi niềm tin thì hãy tìm gặp Chúa ở đó. Dù không có cơ hội nói về Chúa, cha mẹ có bổn phận gặp gỡ và truyền lại cho con cái kinh nghiệm gặp gỡ của chính mình với Đấng Phục Sinh.

Đọc những trình thuật Phục Sinh, ta luôn thấy có một lộ trình giống nhau: con người không nhận ra Chúa, họ biểu lộ lòng yêu mến, Chúa tỏ mình ra cho họ, lòng tràn ngập vui mừng họ hân hoan ra đi làm chứng. Ta đọc được lộ trình nầy trong câu chuyện bà Maria Macđala, hai môn đệ đi làng Emaus, câu chuyện xảy ra trên bờ hồ (Ga 21,1-14), cuộc ngã ngựa của Thánh Phaolô. Nói tóm lại con người tỏ thiện chí và Chúa sẽ đi bước trước để tìm gặp con người.

Chúa đã dạy ta: “Phúc cho kẻ khao khát điều công chính vì họ sẽ được no thỏa”. Thiên Chúa không thể hẹp hòi để bắt con người phải chịu thiệt thòi, vì Chúa luôn chìa tay ra cứu vớt con người và lặn lội đi tìm con chiên lạc. Chỉ có điều là Ngài luôn tôn trọng tự do của con người, nên Ngài cứ đứng ngoài cửa, Ngài gõ cửa tâm hồn ta, chờ đợi, mong ta mở để vào dùng bữa tối thân mật với ta.
 
Đối với con người thời đại, chấp nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, đã tử nạn và phục sinh không phải là điều khó, nhưng chấp nhận sống theo những đòi hỏi Tin Mừng: ‘yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như Chúa đã yêu’ mới là điều khó, và đó là điều người Kitô hữu cần làm chứng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những mẩu chuyện được xem như huyền thoại về một nhân chứng cho Chúa Phục Sinh qua tinh thần khiêm nhường và khó nghèo. Ngài cúi đầu xin mọi người cầu nguyện cho mình được Chúa chúc lành, Ngài thường sống trong một căn hộ bình thường, tự nấu ăn, thường cử hành ‘nghi thức rửa chân’ cho những người sống bên lề xã hội. Ngài dạy: hãy vui lên vì được làm con Chúa và đừng sợ tuyên xưng mình là Kitô hữu, đừng để ai đánh cắp niềm hy vọng. Ngài đứng để nhận lời thề tuân phục của các Hồng y và Ngài chỉ ban phép lành cách âm thầm cho các ký giả dù vẫn ý thức rằng mọi người là con cái Chúa.

Đừng nghĩ Đức thánh cha Phanxicô đóng kịch cách tài tình, mà hãy nghĩ những cử chỉ đó là biểu hiện của một lòng thánh thiện thuần khiết. Còn chúng ta, mỗi ngày sống, hãy tỏa chiếu niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh bằng cuộc sống xứng danh người con cái Chúa: vui tươi, phó thác, nguyện cầu và thân ái.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây