Giáo xứ Vinh Hương

Cái chết của Chúa Giêsu

Thứ sáu - 29/03/2013 22:23
 
Khi xem những thước phim diễn tả lại cuộc thương khó của Chúa chúng ta, rất ít người cảm động. Tại sao? – vì  ta nghĩ rằng những chuyện xảy ra hôm ấy không thật sự đúng như vậy, ta còn nghi ngờ tính cách lịch sử của nhân vật Giêsu, có khi ta lại còn nghi ngờ thiên tính của Con Thiên Chúa làm người, và có kẻ còn thầm cười nhạo Chúa là ‘con lừa’, là kẻ tự tử.
 
Suy nghĩ cuối cùng trên đây là của những đứa trẻ. Chúng nghĩ rằng một người quyền phép như Chúa Giêsu mà không tự giải cứu mình thì đúng là kẻ tự tử! Đầu óc trẻ con rất khó hiểu được những suy tư thần học: Thiên Chúa là tình yêu, Ngài tạo dựng vũ trụ và mọi hoạt động của Chúa là vì yêu thương con người, tổ tông loài người đã phạm tội nên lưu truyền hậu quả lại cho con cháu, Ngôi Hai đã nhập thể làm người và đã vâng lời cho đến chết là để cứu thoát nhân loại, nhờ cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu mà vũ trụ nầy được giải cứu- con người được trở thành con cái Thiên Chúa để được phúc trường sinh.
 
Ngay người lớn cũng nhạo cười thập giá, vì đó là một sự sỉ nhục và là một đề tài cấm kị của thế giới Hy Lạp và Roma. Có người đã vẽ một con lừa bị treo trên cây thập tự với ý đồ nhạo báng niềm tin Kitô. Con người luôn tìm mọi cách để xem có ‘người’ ở những hành tinh khác hay không, họ trích những đoạn đầu của sách Sáng Thế nói về việc tạo dựng trời đất muôn vật và con người để nói lên sự vô lý -phản khoa học của pho sách Kinh Thánh. Mục đích của những người trên đây là muốn chứng minh rằng: chẳng có vị Chúa nào trong công trình tạo dựng, chẳng có sự sa ngã nào và chẳng có Đấng Cứu Thế nào cả… mọi sự đều là trò giả dối của tôn giáo.
 
Đứng dưới chân thập giá ngày thứ 6 hôm ấy đã có những người lính thách thức: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin”. Người tử tội bên tay tả cũng mỉa mai: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy cứu mình và cứu chúng tôi nữa!”. Luôn luôn có những người nghi ngờ về sự hiện diện, quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa.
 
Người Kitô hữu luôn bị cám dỗ về niềm tin, nhất là trong cơn thử thách gian nan và khi sống chung đụng với những kẻ không tin. Giáo hội đã dành ra một năm để thúc giục con cái mình tự vấn về chính niềm tin của mình: tin vào ai? Tại sao tôi tin? Niềm tin đòi buộc tôi phải làm gì và những phương cách để củng cố niềm tin. Trong năm Đức Tin, mỗi người hãy tích cực học hỏi giáo lý của đạo và tích cực tham gia phụng vụ. Đó là chuyện bình thường như khi ta làm quen – tìm hiểu - tâm sự và gặp gỡ một người bạn khác phải…để sống và yêu thương mãi mãi.
 
Những lúc có nghi nan, ta hãy nhìn xem vũ trụ mênh mông mà vẫn có trật tự hài hòa, quả địa cầu nơi ta sinh sống có sự hài hòa giữa đất, nước, khí trời và ánh sáng, thân xác con người tuy là bụi đất mà vẫn được tạo thành một cách hoàn hảo tuyệt vời. Tất cả vạn vật và vũ trụ nói với ta rằng: phải có một Đấng dựng nên và điều hành. Sách GLHTCG còn cho ta biết lý do của công cuộc tạo dựng là để bày tỏ tình yêu, Thiên Chúa sau khi tạo dựng không để vạn vật tự vận hành theo quy trình- nhưng vẫn không ngừng chăm sóc và an bài để dẫn đưa vạn vật tới cánh chung.
 
Chỉ khi hiểu được rằng Thiên Chúa là người Cha nhân lành luôn hành động vì yêu thương, chỉ khi tin rằng Lời được mạc khải trong Kinh Thánh là lời chân thật và đáng tin, và chỉ khi tin Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể- đã tự hiến vì tình yêu để dẫn đưa nhân loại đến cứu cánh tốt đẹp…thì ta mới xúc động thực sự khi suy niệm cuộc thương khó Chúa – với lòng yêu mến thiết tha và ăn năn sám hối tội mình đã phạm.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây