Giáo xứ Vinh Hương

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Lễ Chúa Ba Ngôi

Thứ tư - 30/05/2012 08:49

Lễ Chúa Ba  Ngôi

Lễ Chúa Ba Ngôi
- “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”

Mt 28,16-20.

Bài Tin Mừng hôm nay nói về quang cảnh Chúa Giê su lên trời, những lời dặn dò của Chúa mang một tầm mức quan trọng: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Với trí óc hạn hẹp của con người, chúng ta khó hiểu tường tận mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, dù đã được Chúa Giêsu mạc khải nhiều cách và đã được Chúa Thánh Thần soi sáng. GLHTCG dạy: “Tam vị nhất thể. Chúng ta không tuyên xưng ba Thiên Chúa, nhưng một Thiên Chúa có ba ngôi, ba ngôi đồng bản thể. Các ngôi vị Thiên Chúa thật sự phân biệt nhau” (253,254).
 
Câu ‘làm cho muôn dân trở thành môn đệ’ trong mệnh lệnh truyền giáo của Chúa có một ý nghĩa tích cực, nghĩa là biết vận dụng mọi khả năng và sáng kiến của mình, miễn là Đức Kitô được biết đến. Thánh Phaolô và Thánh Phêrô đã có những chỉ dẫn để các môn đệ của mình phải biết cư xử khôn khéo, miễn sao Tin Mừng được rao giảng: van lơn khẩn cầu; vui với người vui, khóc với người khóc. Đối với Thánh Phaolô, điều quan trọng nhất là  ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ: “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng”(Rm 10,15). Ngài còn nói “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.
 
Lễ Chúa Ba Ngôi là dịp chúng ta suy nghĩ về nhân đức thờ phượng. Lời Đức Thánh Cha nói về xã hội chúng ta như sau: “Với tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, chúng ta đã đi tới quyền lực thống trị các sức mạnh của thiên nhiên, lèo lái các yếu tố, chế tạo ra sinh vật và hầu như cả con người. Trong tình trạng này khẩn cầu Thiên Chúa xem ra là điều lỗi thời, vô ích, bởi vì chính chúng ta có thể xây dựng và thực hiện tất cả những gì chúng ta muốn” (Bài giảng ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống 2012). Con người thời đại có khuynh hướng trở nên vô thần vì họ không kiểm chứng được sự hiện hữu của Thiên Chúa, một số người chạy theo các tôn giáo khác, một số người tin vào bói toán… vì họ đã quên một câu Kinh Thánh quan trọng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Ông Moisen đã nhắc lại cho dân Do thái cả một chuỗi tình thương Thiên Chúa đã dành cho họ, và ông nói: “Hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều nầy: trên trời cao cùng dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa, hãy tuân giữ các mệnh lệnh của Người thì anh em sẽ được hạnh phúc” (Tl 4,39-40). Cơn cám dỗ chạy theo thờ các thần như các dân tộc khác đã không ngừng xảy ra với dân Chúa chọn. Họ đúc bò vàng và thờ lạy nó, họ quy cho nó những kỳ công mà chính Chúa đã thực hiện, họ cảm thấy an tâm vì một con bò vàng luôn gần gũi họ. Lịch sử dân Do Thái cũng đầy dẫy những bất trung với Thiên Chúa, lãng quên tình thương và quyền năng của Ngài, và những lúc như thế, dân Chúa gặp bất hạnh vì bị Chúa bỏ rơi cho quân thù.

Thánh Phao lô xác tín: “Tôi biết tôi đã tin vào ai”. Đó là tin vào một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Chúa thương xót loài người từ ngàn đời, nhưng con người đã phản nghịch và bất tuân. Tình thương thúc đẩy Thiên Chúa trở nên gần gũi và tìm sự thiện hảo cho con người sa ngã, nên Chúa Con đã mặc lấy xác phàm để cứu độ họ và đã vâng phục cho đến chết thập giá. Bởi sự bất tuân của một người mà tội đã nhập vào thế gian, nay nhờ sự vâng phục của một người mà muôn người được nên công chính, họ được gọi Thiên Chúa bằng tên êm ái nhất: “Abba, Cha ơi” (Rm 8,9).

Ba ngôi Thiên Chúa luôn có sự hiệp nhất và luôn hành động trong nhau, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Người ta chỉ phân biệt được ba Ngôi Thiên Chúa khi quy chiếu về các hành động trong chương trình cứu chuộc: Chúa Cha tạo dựng, Ngôi Con cứu chuộc và Thánh Thần thánh hóa. Chúa Giêsu cho ta biết Ngài luôn nói năng và hành động như ý Cha truyền dạy, Ngài không bao giờ hành động theo ý riêng mình, kể cả việc nhập thể và chết trên thập giá. Chúa Giê su đã nói về sự hiệp nhất Thiên Chúa trong lời cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho họ nên một như Chúng Ta là một”. Sự chia rẽ là hành động của ma quỷ, chúng tạo nên sự phân rẽ giữa con người với Thiên Chúa và giữa từng người với nhau, chúng hoạt động từ khởi đầu sáng tạo cho đến tận thế. Trong từng người, mỗi lúc ta phải chiến đấu với tính kiêu ngạo của mình, luôn tìm cách chứng minh sự tự lập đối với Thiên Chúa và sự ưu việt so với anh em. Muốn chiến thắng được cơn cám dỗ trường kỳ nầy, ta hãy suy niệm về sự mỏng giòn của kiếp người, tội lỗi và sự yếu đuối của mình, kêu cầu sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Ngài rất ưa thích ‘nhắc nhở những điều Chúa Giêsu đã dạy, hiểu những việc Chúa đã làm và hiệp nhất muôn người nên một’. Khi nói về tình thương Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã khẳng định với ta: “Các ngươi tuy là ác mà còn biết lấy của lành cho con cái, huống gì Cha trên trời lại không kíp ban Thánh Thần cho kẻ kêu cầu hay sao?”

Thực ra, chúng ta không tìm hiểu Thiên Chúa Ba Ngôi như một kiến thức về một vị Thần xa xưa và xa cách, mà là một Thiên Chúa vẫn luôn hoạt động trong vũ trụ: Công việc tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa vẫn dang diễn ra từng giây phút trên khắp địa cầu nầy. Thiên Chúa không hề vắng bóng, điều thử thách con người là đôi mắt tâm linh của họ có nhận ra dấu vết của Ngài hay không. Như xưa, ông Moisen mới lên núi có 40 ngày và những việc lạ lùng Chúa làm trong biến cố xuất hành xảy ra chưa lâu, cột mây ban ngày và áng lửa ban đêm mới ngơi nghỉ trong chốc lát… vậy mà dân Chúa cứ tưởng rằng Thiên Chúa và ông Moisen cũng không còn nữa. Kinh nghiệm sự vắng bóng của Thiên Chúa cũng đã được trải nghiệm trong câu chuyện tháp Babel và cả ngày hôm nay. Có người gọi thế kỷ 20-21 là thời hậu Kitô giáo, với nghĩa là Kitô giáo đã lùi vào quá khứ và chỉ tồn tại như một kỷ niệm!

Đặc biệt, chúng ta đang sống trong thời đại Chúa Thánh Thần, hãy siêng năng cầu xin ơn Ngài trợ giúp, như lời Đức Thánh Cha Biển Đức 16 : “Lễ Ngũ Tuần là lễ của sự hiệp nhất, hiểu biết và hiệp thông nhân loại. Thần Khí của Thiên Chúa, là Ðấng ban cho chúng ta một con tim mới, một tiếng nói mới và một khả năng truyền thông mới, làm cho chúng ta rộng mở cho Thiên Chúa, cho tha nhân và cho thế giới. 

Cách thiết thực nhất để sống mâu nhiệm Ba Ngôi là chúng ta luôn sống trong tình yêu: Yêu Chúa và yêu tha nhân. Hãy luôn cảm tạ Thiên Chúa vì tình Ngài yêu ta bền vững muôn đời, hãy sống tình con thảo với Cha nhân lành: tin tưởng và phó thác. Và hãy luôn gắng sống yêu thương tha nhân như con một Cha trên trời, vì ở đâu có yêu thương ở đó có Thiên Chúa.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây