Giáo xứ Vinh Hương

Sự phát triển của hạt giống.

Thứ năm - 14/06/2012 21:41

Sự phát triển của hạt giống.

- “Tôi trồng, Appolô tưới nhưng Chúa mới cho mọc lên. Người trồng kẻ tưới chẳng là gì”(1Cor 3,6-7)

Mc4,26-34
Chúa Giêsu dùng nhiều hình ảnh để diễn tả về thực trạng của ơn cứu độ, về nước trời. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dùng 2 hình ảnh: hạt giống tự mọc lên và phát triển, hạt cải bé nhỏ lại mọc thành cây rất lớn. Nước Thiên Chúa hay triều đại Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã khởi sự được ví như hạt giống được gieo vãi xuống địa cầu. Nó có sức mạnh tiềm tàng nội tại để tự mọc lên, phát triển và trổ bông.

Trong đoạn Tin Mừng Mt 13,1-9 nói về dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu nói đến Lời Chúa là hạt giống mà Ngài đã gieo vãi trên địa cầu, trong những điều kiện khác nhau thì sẽ sinh những kết quả khác nhau, muốn sinh gấp trăm thì phải có môi trường thuận tiện và được chăm bón. Nhưng trong đoạn Tin Mừng Mc 4,26-36 hôm nay, Chúa chỉ muốn nói đến sức mạnh ẩn tàng bên trong của hạt giống, nó tự phát triển đêm ngày theo định luật có sẵn mà người gieo hạt cũng không biết, ông ta đem liềm ra gặt khi lúa đã chín vì đã đến mùa. Điều Chúa muốn nói ở đây là gì? – Nước Thiên Chúa, thực trạng cứu độ của Giáo hội mọc lên và phát triển theo những định luật ngoài suy tính của con người. Thánh Phaolô nói: “Tôi trồng, Appolô tưới nhưng Chúa mới cho mọc lên. Người trồng kẻ tưới chẳng là gì”(1Cor 3,6-7). Trong thực tế cuộc sống, khi người nông dân gieo hạt xuống đất, đúng là hạt giống tự mọc lên theo quy luật có sẵn của nó tùy theo mầm gen của mỗi loại, người chủ vườn chỉ biết theo dõi sự phát triển đó và chăm sóc che chở cho nó sinh bông hạt nhiều hơn. Sở dĩ cần sự cộng tác của người nông dân vì trong môi trường tự nhiên có nhiều yếu tố tác động xấu đến hạt giống; giả sử có một khu đất có độ ẩm cần thiết, không có cỏ dại và không có sâu hại thì đúng là người ta chỉ cần gieo hạt rồi chờ ngày thu hoạch thôi mà chẳng phải bận tâm gì. Nước Trời được khởi đầu và phát triển được là do Chúa Thánh Linh không ngừng hoạt động trong lương tâm mỗi người để thúc đẩy họ tìm về chân thiện mỹ: “Không ai có thể nói rằng ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cor 12,3), và muốn có mùa màng bội thu thì Chúa cần sự cộng tác của con người để tiếp tục gieo vãi và vun xới cho niềm tin anh em mình.

Nước Thiên Chúa giống như hạt cải bé nhỏ khi gieo xuống nhưng lại mọc lên thành cây rất lớn, lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng. Đây là hình ảnh thực sự của Giáo hội, rất bé nhỏ khi khởi đầu nhưng lại thành cây cổ thụ, cao vượt mọi thứ rau cỏ, là nơi quy tụ của mọi dân tộc trên địa cầu. Trong tác phẩm ‘Nói với chính mình’, ĐGM Bùi Tuần viết: “Tôi cứ tưởng Chúa xây dựng nước trời bằng cách khởi sự mua một khu đất, lập một trụ sở, cất một Thánh đường; ai ngờ suốt đời, Chúa chỉ lo xây dựng Nước Chúa trong lòng người ta. Tôi cứ tưởng Chúa tuyển mộ những người học thức, mặc một thứ đồng phục, kẻ đại diện cho mình là người rất hoàn hảo…thế nhưng Chúa đã sinh ra trong một gia đình nghèo hèn, đã chọn một nhóm môn đệ trong đám thường dân, đã chọn ông Phêrô đặt làm người đứng đầu và Chúa còn bị kết án tử hình cách nhục nhã”. Từ một khởi đầu nhỏ bé và yếu ớt như hạt cải, Giáo hội Chúa trường tồn hơn bất cứ thể chế trần gian nào và là nơi cư ngụ cho mọi dân tộc, vì Giáo hội mang trong mình gia sản cứu độ của Đức Lang Quân để lại.

Sách Lẽ Sống diễn tả: Nếu nhìn vào những con số thống kê, thì nhiều khi ta thấy Giáo Hội dường như bị thất bại và đi lùi trong một số vùng và một thời điểm nào đó. Mượn hình ảnh ‘hạt cải bé nhỏ’, Chúa Giêsu muốn đưa các tông đồ vào cái nhìn mới, một lý luận mới. Ngài muốn nói với các ông rằng vương quốc cuả Ngài được thể hiện qua sự yếu đuối mà đôi khi là chính sự thất bại của con người. Như văn hào Pháp Antonio de Sunsugerez “mắt trần không thể thấy được cái thiết yếu”. Nhìn vào sự phát triển của Giáo hội từ phía bên ngoài, người ta tưởng Giáo hội như thất bại. Thực ra, Giáo hội chỉ thực sự thất bại khi muốn thể hiện một hành động như là quyền lực trong trần thế. Đức Hồng y Echegaray nhân một chuyến viếng thăm Việt Nam, Ngài nói: “Người ta dễ nghe tiếng cây rừng ngã đổ, hơn là nhận ra tiếng nói thì thầm của những mầm non đang mọc lên” (Trích lẽ sống quyển 2). 

Đọc lại lịch sử Giáo hội, chúng ta không khỏi thán phục những chuyến lội ngược dòng của biết bao vị Thánh. Có thể kể nơi đây cuộc đời của Thánh Augustinô, với một trí óc thông minh xuất chúng, chàng thanh niên nầy đã theo lạc giáo để khích bác Giáo hội và sống một cuộc sống tội lỗi, nhưng với sự thúc đẩy của ơn Thánh, Ngài đã được cải hóa bởi câu Lời Chúa: “Được lời lãi cả thế gian, mất linh hồn nào được ích gì?”, để rồi trở thành một vị Giám mục lừng danh về đạo đức và uyên bác về thần học. Có thể kể thêm một Ignace Loyola, đầy ước vọng cho một cuộc sống quyền quý, đã bị Chúa Kitô chiếm hữu tâm hồn khi đọc Kinh Thánh, đã tuy tụ 6 người bạn và lập thành Dòng Tên, sống theo lý tưởng vì ‘vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn’.

Hơn bao giờ hết, trong những thế kỷ gần đây, Giáo hội bị tấn công bởi các triết thuyết và bởi các cuộc ly giáo, bởi trào lưu tục hóa và hưởng thụ, bởi thuyết luân lý tương đối và những phán quyết của luật pháp đi ngược với giáo lý Kitô giáo, bởi những vụ khủng bố và bắt bớ Kitô hữu, bởi nạn ly dị và phá thai… dễ làm ta nghĩ đến ‘ngày tận cùng của thế giới đã gần đến’ vì quá sức chịu đựng của Thiên Chúa và dễ làm ta nghĩ đến sự lụi tàn của Nước Thiên Chúa. Nhưng hãy biết rằng hạt giống vẫn cứ mọc lên với sức mạnh tiềm tàng của nó và Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng đổi mới mặt địa cầu. Muốn hiểu ý nghĩa của những dụ ngôn về nước Thiên Chúa, hãy tìm cách để “Thầy trò ở với nhau, thì Người giải nghĩa cho họ hết” (Mc 4,34).

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây