Giáo xứ Vinh Hương

Nhàn đàm - "Người ta đồn rằng..."

Thứ sáu - 24/05/2013 04:49
Tin đồn "tăng tốc" theo "cấp số nhân".
Tin đồn "tăng tốc" theo "cấp số nhân".
 
Sống trong một xã hội mà sự giả dối là “bình thường” thì các loại “tin đồn” lại càng xa sự thật. Đa số người Việt mình có một “đức tính” là hay “đồn tin” và tin vào “tin đồn”, không cần suy xét cũng chẳng cần tìm hiểu gì thêm cho … “mệt”. Điều này khác hẳn với tính cách của hầu hết mấy “ông bà mũi lõ”. Đối với họ, những kẻ “cứng tin”, bất cứ một hiện tượng hay sự kiện nào cũng phải “truy tìm” đến tận ngọn nguồn sự thật. Có lẽ vì vậy mà khoa học phát triển mạnh hơn, nhanh hơn và “có khoa học” hơn “nhà mình”. Người mình thì cứ “phiên phiến”, cứ “qua loa”. Vừa tìm được điều gì “là lạ” mà cứ tưởng là một “phát kiến vĩ đại”, trong “tứ phương thiên hạ” chưa ai biết. Hoá ra, người ta đã biết từ “đời tám hoánh” nào rồi. Khổ thế.
 
Trở lại với “tin đồn” và “đồn tin”, một hiện tượng thường xảy ra “mọi nơi”, “mọi lúc”. “Tin đồn” có thể đúng, có thể không, nhưng “tin đồn” không bao giờ là (hoặc được công nhận là) một minh chứng của sự thật.
 
“Tin đồn”, theo định nghĩa của các tự điển tiếng Việt là “tin truyền miệng, chưa chính xác”. Đã là “truyền miệng” thì “tam sao thất bổn” là điều chắc chắn. Từ “bản sao” của một tin “chưa chính xác” mà chắc chắn bị “thất bổn” thì mức độ không chính xác lại càng tăng lên nhiều. Ấy vậy mà nhiều người vẫn “chắc như đinh đóng cột” rằng sự kiện được đồn đãi là chính xác. Khốn thay những “tin” kiểu này lại có “tốc độ lan truyền” và “tầm ảnh hưởng” khủng khiếp, còn nhanh và rộng hơn cả “in-tờ-nét” nữa đấy. Từ đó, mức độ tác hại của những tin đồn không hề nhỏ.
 
“Đồn tin”, cũng theo định nghĩa của các tự điển tiếng Việt, có nghĩa là “truyền một tin từ người này sang người khác, từ nơi này đến nơi khác”. Như vậy, để có được “tin đồn” phải có người “đồn tin”. Khốn nỗi, đã “truyền từ người này sang người khác” và “từ nơi này đến nơi khác” thì mức độ lan truyền phải tăng theo cấp số nhân. Do đó, khi đến “tai người nghe” thì đã lan toả khắp “hang cùng ngõ hẻm”, khắp “cùng trái đất” mất rồi, nên chẳng biết nguồn gốc từ đâu và sự thật có còn trong nội dung “tin tức” không. Truy nguyên nguồn gốc là điều không tưởng. Nên người “đồn tin” trở thành kẻ “ném đá dấu tay”. Thế đấy.
 
Thời buổi mà mỗi người đều có một “con dế” hay ít ra một “cục gạch” trong túi lại còn phát sinh một loại “tin đồn” lan nhanh, lan mạnh, lan vững chắc và nguy hiểm hơn, đó là dùng SIM rác gửi tin nhắn nói về hoặc với “ai đó” một cách vô tội vạ và thiếu ý thức. Hãy khoan nói đến “con người” của kiểu người “đồn tin” này, mà chỉ chú trọng về tác hại của loại “tin đồn”. Bởi lẽ có những “tin đồn” ngay từ “cấp thứ nhất” đã không còn là sự thật nữa rồi.
 
Những “tin đồn thất thiệt”, trước hết “tạo ra” và “nuôi dưỡng” sự nghi ngờ lẫn nhau trong cộng đoàn để cuối cùng chẳng ai có lỗi, chẳng ai phải chịu trách nhiệm, có chăng chỉ ma quỷ mới có gan nhận “trách nhiệm”. Nhưng Satan lại là kẻ gian dối lọc lừa nổi tiếng “trên trời dưới đất”, nên “trách nhiệm” của “nó” bằng không! “Nghi ngờ lẫn nhau” làm mục ruỗng nhanh chóng sự hiệp nhất trong cộng đoàn, dẫn đến tình trạng thiếu tôn trọng nhau và có thể đem lại hậu quả không lường trước được.
 
Nên chăng cần “bịt mắt, bịt tai, bịt miệng, bịt kín trái tim” với “tin đồn” mà “mở mắt, mở tai, mở miệng, mở rộng trái tim” ra để cùng nhau cảm thông, tôn trọng và yêu thương?
 
Bởi lẽ “tin đồn” làm “nhiễu loạn” linh hứng của Chúa Thánh Thần!
 

Tác giả bài viết: Vương Hinh

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây