Giáo xứ Vinh Hương

Những câu chuyện bên lề

Thứ ba - 14/08/2012 20:25
Những câu chuyện bên lề

Trong dịp tĩnh huấn HĐGX 2012 của giáo phận Banmêthuột, cha giảng thuyết có kể một số câu chuyện làm minh họa rất hóm hỉnh và rất hay. Xin ghi lại để mọi người cùng thưởng thức.
 
Chúa thương ai hơn? – Chúa thương mọi người, nhưng không ai nói được rằng Chúa thương mình hơn người khác. Để minh họa cho chân lý trên, ta vẽ một vòng tròn lớn tượng trưng cho nhân loại. Trong vòng tròn đó, ta vẽ một vòng tròn lớn bằng ¼ vòng tròn lớn - tượng trưng cho các Kitô hữu. Trong vòng tròn thứ hai đó, ta vẽ một vòng tròn nhỏ bằng 1/10 vòng tròn đó – tượng trưng cho hàng giáo sỹ. Qua hình vẽ nầy, ta hiểu được 2 điều: điều thứ nhất Chúa lập nên hàng giáo sỹ và tu sỹ để phục vụ cho giáo dân và nhân loại, người có đạo để phục vụ cho cả nhân loại; điều thứ hai là ta không thể nói Chúa thương Đức Giáo Hoàng hơn người giáo dân, vì Chúa thương mỗi người mỗi cách và Chúa không hề thiên tư thiên vị, Chúa mời gọi ta hãy học nhân từ như Chúa là Đấng làm mưa trên người lành kẻ dữ. Sở dĩ Chúa ban cho một số người có nhiều tài năng và thành công hơn người khác là để họ phục vụ người khác, vậy thôi.
 
Hãy học bài học tôn trọng kẻ khác. Trước Công đồng Vaticanô 2, người ta dễ coi thường những tôn giáo khác là mê tín, nhưng tinh thần Công đồng dạy rằng: ta phải tôn trọng niềm tin kẻ khác, dù nó chỉ chứa đựng một phần chân lý, vì nếu ta tự cao tự đại về niềm tin của ta đến nỗi đả phá niềm tin kẻ khác thì sẽ chỉ dẫn đưa đến thái độ tự vệ và ‘không quan tâm’ đến ta, cô lập ta và thế là ta không thể trở nên men trong bột. Bởi đó, ta không nên dùng từ ‘trở lại đạo’ với một người tân tòng, vì họ nói là họ ‘đi tới’ khi tìm được đạo. Ta cũng không nên nói là ‘tu xuất’, vì con cái của Thánh Bonaventura vẫn tiếp tục tu trong một môi trường có khi là khốc liệt hơn đấy chứ. Trong quá trình đối thoại liên tôn, có nhiều bước: gặp gỡ thân tình, cộng tác trong việc tốt, cầu nguyện chung, trao đổi về niềm tin; với người giáo dân bình thường, chỉ nên tiến hành những bước đầu, và thật đáng tiếc là nhiều người giáo dân chỉ làm bước thứ bốn nên dẫn đến tuyệt giao. Khi mời người đại diện các tôn giáo bạn dâng lễ vật trong một thánh lễ với lý do tạo sự đoàn kết là không nên, vì ta ép họ làm một điều mà họ không tin và trái với tự do của họ. Người ngoại quốc khi vào quán ăn hoặc nơi công cộng, người ta nói nhỏ nhẹ; còn người Việt mình nhiều khi nói quá lớn trong bàn tiệc, làm phiền người khác mà không để ý. Ngay cả khi mình đọc kinh hoặc sinh hoạt phụng vụ quá ồn ào như kiểu phô trương lực lượng cũng làm ảnh hưởng đến tự do của người khác, khiến họ nhìn đạo mình với con mắt thiếu thiện cảm. So với người ngoại quốc thì người Việt Nam rất sĩ diện (nói vậy mà không phải vậy, nói khác với ý nghĩ trong lòng), nên đừng bao giờ bêu xấu ai trước đám đông, điều nầy thường không mang lại lợi ích nào cả.
 
Giáo hội là gì? Năm 2012 được dành để học hiểu mầu nhiệm Giáo hội. Giáo hội có tính cách hữu hình vì có phẩm trật như một cơ cấu xã hội: Giáo hội toàn cầu mà đứng đầu là Đức Giáo Hoàng, vị đại diện Chúa Kitô, tiếp đến là giáo hội miền, giáo hội từng quốc gia, giáo tỉnh, giáo phận và giáo xứ. Giáo hội là vô hình, là nhiệm thể Chúa Kitô và thừa hưởng lời hứa ‘vững bền vì được xây trên nền đá’, dù dáng vẻ hữu hình có thể đổi khác (khi lớn lên khi nhỏ lại). Điểm nòng cốt của Giáo hội của Chúa Kitô là sự hiệp thông: hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông giữa các Kitô hữu và hiệp thông với mọi cư dân địa cầu. Sự hiệp thông là rất cần thiết trong giáo hội hoàn vũ cho đến từng tín hữu ở địa phương, mỗi người hãy ra sức xây dựng sự hiệp nhất trong giáo xứ và đừng đánh đổi nó với bất cứ giá nào, và quan trọng nhất là cầu xin ơn Chúa Thánh Thần và trước hết hãy củng cố mối hiệp thông giữa mình với Thiên Chúa.
 
Giải tỏa tâm lý. Để giải tỏa những căng thẳng trong một nhóm, cách hay nhất là một câu nói hài hước hay một nụ cười. Cha giảng thuyết kể một câu chuyện như sau: Thời gian đi du học, tôi sống ở một trung tâm mục vụ với 5 cha khác cũng đi học và một cha Giám đốc lớn tuổi. Mỗi người một chuyên nghành, nên hễ nói chuyện gì là cũng đụng vào một chuyên nghành của ai đó… nên thường xuyên xảy ra căng thẳng. Cứ mỗi lần như vậy, cha giám đốc lại hỏi tôi một câu hỏi nào đó – thường rất vu vơ và trùng lặp. Có lần tôi hỏi ngài lý do tại sao lại hỏi tôi mấy câu đó, vì mấy bữa trước vừa hỏi mà. Ngài trả lời: vì tôi cần nụ cười của cha để giảng hòa cho bầu khí chung đang căng thẳng. Đúng vậy, cứ mỗi lần nghe cha giám đốc nhắc đến tên mình, tôi thường mỉm cười trước khi trả lời.
 
Cha quản xứ. Thật hạnh phúc nếu giáo xứ có một vị mục tử để coi sóc các linh hồn. Nếu hỏi một cha xứ Việt Nam ‘có bao nhiêu giáo dân?’ thì Ngài thường cho biết số tín hữu ‘chính hiệu’, khoảng 5-7 ngàn; còn nếu hỏi một cha xứ ngoại quốc câu hỏi trên thì ngài thường trả lời 30-40 ngàn cư dân trong vùng ngài phụ trách. Đúng vậy, bề trên sai một vị cha xứ đến một vùng nào đó là để ngài làm việc tông đồ và chăm lo phần hồn cho người có đạo cũng như kẻ ngoại đạo (ta nhớ lại 3 vòng tròn ở trên). Có một gia đình nọ không có thiện cảm với đạo Chúa suốt mấy chục năm và dĩ nhiên ghét luôn cả ông cha xứ, sau khi xảy ra nhiều cảnh huống cuộc sống và thấy sự tận tụy của cha xứ, đã hỏi cô con dâu (người có đạo) một câu: “Cha sống ở đâu và ai nấu cơm cho cha ăn?’, cha xứ rất mát ruột khi được mách lại chuyện trên… bạn đã từng nói với cha nào câu hỏi nầy chưa?
 
Điều hành mới. Ngày xưa, khi nói đến lãnh đạo là ta nghĩ đến chỉ huy, quyền hành và sự lệ thuộc của cấp dưới (về quyền hạn và tiền bạc). Cách lãnh đạo mới được áp dụng tốt trong một công ty, trong một tập thể và trong gia đình là lãnh đạo linh hoạt: đưa ra một vấn đề mọi người cùng quan tâm, phân công, giao trách nhiệm cho mời nhiều người tham gia, là kiểu lãnh đạo phục vụ như người tôi tớ. Người lãnh đạo giỏi là người biết chia sẻ uy quyền và trách nhiệm cho các cộng sự theo nguyên tắc đoàn đội và không bao giờ can thiệp vào những quyết định của cấp dưới, vì như vậy là làm mất uy tín của họ. Hãy học bài học lãnh đạo linh hoạt nầy từ nơi Chúa Giêsu. Câu chuyện thứ nhất là câu chuyện ông Giakêu: Ông là trưởng những người thu thuế ở vùng đó. Chúa chỉ kêu mời ông xuống mau vì hôm nay Chúa muốn ghé nhà ông (thân tình, hỏi han). Chúa không hề khiển trách hay ra lệnh cho ông, vậy mà ông đã hoàn toàn biến đổi và tự đưa ra cách hành động ‘trích 1/10 tài sản phân phát cho kẻ nghèo và đền gấp 4 lần những kẻ mình đã làm hại. Câu chuyện thứ hai là hai môn đệ làng Emmaus: Chúa nhập bạn với họ, hỏi thăm họ về lý do buồn sầu, gợi cho họ kể chuyện xảy ra ở Giêrusalem, trao đổi với họ những câu kinh thánh nói về Đấng Messiah, trú lại nhà theo lời họ mời và đã bẻ bánh. Mắt họ mở ra, nhận ra Thầy, nhưng Chúa đã rút lui để họ quyết định phải làm gì. Câu chuyện thứ ba là chuyện người phụ nữ ngoại tình, đám đông đưa bà đến với Chúa là có ý đồ gài bẫy Chúa với câu hỏi 'có được ném đá hạng đàn bà này không?', Chúa lặng thinh và chỉ đưa ra một câu gợi ý 'ai trong các ông vô tội thì cứ ném đá chị ta trước đi' để họ có cơ hội phản tỉnh và sau đó từng người đưa ra kết luận 'rút lui'. Thế đó, lãnh đạo linh hoạt là mình khơi dậy và gợi hứng một công việc chung tốt đẹp, mời nhiều người cộng tác, phân công và lên kế hoạch, rút lui đúng lúc để cấp dưới có không gian cần thiết để lớn lên, cùng nhau làm việc và bước cuối cùng là ngồi lại, đánh giá để rút tỉa kinh nghiệm cho những lần sau. Trong gia đình, người chồng hãy bớt ra lệnh mà thay vào đó bằng những câu hỏi để biết nhu cầu của vợ con, phân chia trách nhiệm và biết tin tưởng. Chính sự thân tình, tin tưởng và nhiệt huyết của người lãnh đạo sẽ giúp các thành viên trưởng thành qua từng năm tháng.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây