Giáo xứ Vinh Hương

Chuyện cuộc sống

Thứ sáu - 30/11/2012 15:51

Chuyện cuộc sống

- Chỉ là những chuyện rất thường, nhưng chúng đã thực sự đã và đang xảy ra quanh ta. Xin ghi lại vài câu chuyện đơn giản, với hy vọng gợi lên một vài suy tư nào đó để giúp cho cuộc đời này tốt đẹp hơn.
 



Những giọt nước mắt tuôn rơi.

Buổi sáng hôm ấy, Nhật, một người phụ nữ thân quen với gia đình kể lại câu chuyện đau lòng đã xảy đến trong gia đình vào tối hôm trước: Lữ, một khách hàng đã gọi điện thoại trách móc vì đã không giao hàng đúng hẹn. Chuyện cũng thường thôi và cũng có lý do khách quan đưa đến việc chậm trể này. Qua câu chuyện trong điện thoại, đôi bên đã nói cho nhau những lời đủ để thông cảm và thực ra việc chậm trễ cũng không làm thiệt hại gì về kinh tế. Vậy mà chỉ một lát sau, Lữ đã đến nhà Nhật để rủa xả những lời không đứng đắn và nhất là còn đụng đến nỗi đau tâm linh của gia đình: con hư tại mẹ. Tôi tự hỏi: tại sao lại đụng đến nỗi đau của người khác như vậy, với một câu nói ‘không nên nói’ được lặp lại đến 3 lần; Lữ là một cô gái trẻ chưa sinh con, liệu con cái cô ta có trót lọt ngon lành không - hay có khi lại nhận lấy quả báo? Một con người tử tế phải biết tránh đụng chạm đến những nỗi đau thể lý (đui, què, mẻ, sứt) đã đành, sao lại nhẫn tâm hành hạ người khác bằng cách châm vào vết thương lòng của họ, khiến những giọt nước mắt tuôn rơi cả đêm trường và vẫn lã chã rơi khi nói chuyện với tôi. Tôi tự hỏi: người kia có ‘bình thường’ hay là ‘chạm mạch’ nhỉ? Vì có lý trí, sự nhẫn tâm đã khiến lòng độc ác của con người vượt xa con thú. Muốn được hưởng ân lộc của Chúa và để thành công trên đời, cần lắm một tấm lòng nhân hậu và biết chạnh lòng thương tha nhân. (tên trong câu chuyện đã được thay đổi)

Tôi quen một gia đình, mỗi lần đến nhà anh ấy, vẫn thường thấy có hai đứa trẻ gái chơi với nhau. Khi tôi đến và khi tôi ra về, hai đứa trẻ đều chào hỏi rất lễ phép: “Cháu chào chú’ và đứa kia chào: “Con chào ông”(một đứa là con và một đứa là cháu ngoại của anh ấy). Chúng chào rất bình thường và chẳng có sự thúc giục của ai cả, như đã được lập trình sẵn từ trong lòng mẹ vậy. Chuyện chẳng là gì và chẳng đáng gì, nhưng hãy nghĩ xem tập cho trẻ một phản xạ tự nhiên như vậy không phải là chuyện dễ. Những người lớn trong gia đình phải có thói quen lịch sự một cách chân thành với mọi người thì mới nói được trẻ. Sự lễ phép của trẻ thật trong sáng khi so với óc tính toán vụ lợi và là cơ sở để ta giáo dục sự tôn trọng nhân vị của người khác. Gia đình là nơi thích hợp để giáo dục đức tin cho trẻ và cũng là nơi đào luyện những nhân đức Kitô giáo. Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên cho trẻ và không ai có thể thay thế được. Đức Bênêdictô XVI vẫn lưu giữ mãi những kỷ niệm thời thơ ấu, nhất là những buổi tìm hiểu Lời Chúa của ngày Chúa nhật hằng tuần, xảy ra vào chiều thứ bảy và cả nhà cùng hân hoan sống tâm tình mà Lời Chúa mang lại.

Một người mẹ tảo tần nuôi đàn con khôn lớn. Chúng lập gia đình và đều ở riêng. Có những đứa khá giàu và cũng có lắm đứa chỉ vừa đủ sống. Sau bao thăng trầm lịch sử của thời cuộc và của gia đình, bà hầu như trắng tay và tuổi già ập đến với trọn niềm phó thác vào Chúa quan phòng. Đây hầu như là hình ảnh rất quen thuộc và bình thường của những người mẹ trên đất nước Việt Nam. Chuyện vẫn thường xảy ra là con cái dễ quên rằng ‘có mẹ là một ân phúc’ của người con, dù mẹ chẳng còn minh mẫn và không có nhiều của cải. Mỗi đứa con đều có lý do để xa vắng, như một cách trừng phạt mẹ về một chuyện trái ý nào đó. Nhưng hãy nhớ lời sách huấn ca 3,3-4: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu”… để biết dành thời giờ chuyện trò và chăm sóc cha mẹ già yếu.

Sau những thời gian mất tinh thần vì cơn bão thổi đến, con người phải bình tĩnh lượng định tình hình để tìm cách sống còn. Đất nước Việt Nam đã trải qua những cơn lốc hưởng thụ, cơn bão duy vật và những thử thách của toàn cầu hóa: nền tảng gia đình bị thử thách, đạo đức con người xuống cấp, hôn nhân đổ vỡ, nạn phá thai và lối sống buông thả của những người trẻ. Đã đến lúc từng gia đình và từng Kitô hữu phải xác định lại niềm tin vào Đức Kitô và dấn bước theo Ngài trong đời sống luân lý phù hợp với Tin Mừng.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây