Giáo xứ Vinh Hương

“Mặt nạ” lan tràn

Thứ bảy - 08/12/2012 18:10
“Mặt nạ” lan tràn
Một bài giảng thấm đậm và thực tế dường bao, không như các thánh lễ chiều thứ bảy hằng tuần, với trách nhiệm chuẩn bị các bài hát, loay hoay với "mặt nạ" lo ra, thậm chí còn nhắc nhở, hát mẫu để ca viên diễn đạt bài hát đúng, hay; hầu giúp cộng đoàn sốt sắng hơn khi tham dự thánh lễ. Riêng hôm nay, phần việc ấy, ca đoàn Magnificat của giáo họ Phaolô đảm trách. Có thời gian chăm chú, lắng nghe và suy gẫm. Chia sẻ sau Tin Mừng Chúa nhật 2 Mùa vọng, cha Phêrô Cao Tiến Hà gợi lên ý nghĩa chiếc “mặt nạ” của mỗi Kitô hữu trong đời sống đạo, ngài cao hứng diễn đạt, như cơn lốc xoáy sâu vào tận sâu thẳm người nghe. Còn tôi, đêm về cứ trằn trọc mãi với hai chữ “mặt nạ”, Ngẫm suy, dưới “muôn hình vạn trạng” mặt nạ hôm nay đã lan tràn và lên ngôi.

Ở quê mình, hằng năm cứ vào dịp hè, “Tây Du Ký” xuất hiện, trẻ em háo hức với mặt nạ Trư Bát Giới, Đường Tăng, mặt nạ Tôn Ngộ Không…Bên trời Tây, có lễ hội giả trang, hay “Carnaval”, được tổ chức vào ngày thứ ba trước thứ tư Lễ tro. Có nơi gọi là  “thứ ba béo” (mardi gras). Trong ngày này, người ta mặc sức ăn uống, nhảy nhót, đeo mặt nạ và cải trang thành con người hay con vật mà mình muốn diễn tả. Và vào tối ngày 31.10 trước Lễ các Thánh, có lễ hội “Halloween”, không riêng gì trẻ em mà các “nam thanh nữ tú” cũng cùng nhau “lên đời” với các kiểu mặt nạ để tham gia vào ngày hội “cõi âm” này.

Những hình ảnh của mặt nạ kể trên thật bình thường, nó đến rồi đi, chẳng ai quan tâm. Nhưng đáng lo ngại  từ hai chữ “mặt nạ” được mang thêm một nghĩa bóng, đó là sự giả hình, lường gạt và gian dối đang tràn lan, núp dưới vỏ bọc của  “từ bi” với nhiều hình thức thật tinh vi và xảo quyệt.

Ngồi với các bà các chị, “điệp khúc” rau sạch, rau an toàn chắc chắn sẽ còn trong "khát vọng", các loại thức ăn, thức uống bây giờ không chỉ ở tại Trung Quốc xa xôi kia, nhưng đã len lỏi và hiển hiện ngay trong “vùng quê yên bình” này rồi, giả dụ vào mùa sầu riêng, không khó để chứng kiến từng vựa sầu riêng xanh non, đang “biến hóa” để thành đặc sản Dakmil thơm lừng, béo ngậy! hàng hóa thì đổi mác nhãn như thay áo! cân 10 lạng chỉ còn 7oo gr...

Khi rảnh rang, tâm sự với các anh các ông về lĩnh vực xã hội cũng vậy. Để chạy đua vào những chức vụ quan trọng, các ứng viên phải tự đánh bóng mình bằng những hình ảnh đẹp đẽ và những lời tuyên bố “đao to búa lớn” nảy lửa và đường mật, tìm kiếm “ô dù” dẫn lối. Nhưng sau khi đã đáp an toàn, yên vị trên chiếc ghế của mình,  thì mọi sự “vũ như cẩn”...bằng cấp giả, chạy trường, hối lộ, mãi lộ... chuyện thường ngày ở đâu đó quanh ta.

Trong Phúc âm, Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh để diễn tả về hạng người giả hình, mang mặt nạ đạo đức. Nào là họ kinh kệ dài dòng nhưng lại nuốt chửng gia tài của các bà góa. Nào là họ nói mà không làm, và nếu có làm thì cũng tìm cách kiếm chác cho mình một chút hào quang để nghênh ngang với đời. Nào là họ chịu khó tắm rửa cơ thể và lau chùi những đồ dùng, nhưng tâm hồn lại chất đầy tội ác. Nào là họ giống như mồ mả, bên ngoài thì đẹp đẽ, nhưng bên trong chỉ toàn dòi bọ và xú khí…
 
Ở cuộc sống đời thường, mặt nạ hiện hữu không ít. Cha mẹ, con cái mang mặt nạ với nhau, đối xử quanh co, lập luận né tránh. Vợ chồng bề ngoài ngon ngọt, chịu thương chịu khó, cố để “lấp láp” những “miếng phở” thơm phức nhăng nhít ngoài đời, chồng đã quen với dáng đạo mạo, mực thước, vợ đã lờn trước những lớp son phấn lòe loẹt, cũng cố để che phủ nội tâm “hướng ngoại”. Anh em, bạn bè, lối xóm chào nhau, huyên thuyên tình cảm, nhưng có biết đâu, “nói dzậy nhưng không phải dzậy”,  đang ẩn phía sau những “cái bụng” rất riêng. Ngẫm lại những vần thơ của bàn dân thiên hạ, thấy chí lý:
 
 - Trông em, anh tưởng sao mai,
 Biết rằng trong có như ngoài hay không ?
 
- Nhác trông cứ tượng tô vàng,
 Nhìn ra mới biết chẫu chàng ngày mưa.
 
- Thật thà như thể lái trâu,
 Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.

 
Kinh nghiệm này cũng đã được tục ngữ ca dao Việt Nam diễn tả :
 
- Khẩu phật tâm xà.
- Miệng Ngài mô, bụng bồ dao găm.
- Ngoài thì thơn thớt nói cười,
 Mà trong nham hiểm giết người không gươm.

 
Chỉ những cảm nhận ngắn từ bài giảng của cha Phêrô, người viết mong được đồng hành với cộng đoàn trong tuần dọn đường cho Chúa đi, xin uốn nắn điều cứng cỏi, tưới gội chỗ khô khan, bạt mọi núi đồi, sửa chốn quanh co, hầu chuẩn bị tâm hồn ĐÓN MỪNG GIÁNG SINH 2012
.
Lạy Chúa, hằng ngày, chúng con đều đọc kinh Lạy Cha, vậy mà gia đình vẫn còn những lục đục, bất hòa, cơm chẳng lành, canh không ngọt. Phải chăng chúng con đang đóng kịch và cùng nhau đeo mặt nạ? Cũng thế, nhân loại vẫn đang sôi sục vì khủng bố, vì chiến tranh. Phải chăng người ta cũng đang đóng kịch và mang mặt nạ với nhau?
 
Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết chấm dứt những thái độ đóng kịch và vứt bỏ những chiếc mặt nạ giả nhân giả nghĩa, để đến với nhau bằng tất cả tấm lòng chân thành hầu sống Năm Đức Tin được trọn vẹn hơn. Amen.
 
 Viết nhanh - Chúa nhật 2  Mùa Vọng
 

Tác giả bài viết: Caohuong

Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4.4 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây