Giáo xứ Vinh Hương

Chúa đang ở đâu?

Thứ tư - 08/02/2023 00:51
"Nếu chúng ta đón nhận hạnh phúc đến từ Thiên Chúa, thì tại sao không chấp nhận bất hạnh theo cùng một cách?"(G 2,10)
Chúa đang ở đâu?
Tại sao Chúa không ngăn trận động đất? Ngài đang ở đâu? Mỗi thảm họa thiên nhiên đều có những nghi ngờ, đôi khi là những cuộc nổi dậy: đối mặt với bi kịch của rất nhiều nạn nhân vô tội, làm sao chúng ta có thể tin vào một Thiên Chúa toàn năng và đầy lòng thương xót? Một số câu trả lời.


Trận động đất với cường độ chưa từng có ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, số người thiệt mạng khủng khiếp tiếp tục tăng lên, sóng thần ở châu Á vào cuối năm 2004, cơn bão Katrina ở Hoa Kỳ năm 2005 hay cơn bão ở Miến Điện năm 2008... Mỗi trận đại hồng thủy đều mang đến những chia sẻ vấn nạn về lòng nhân từ của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa thực sự tồn tại, tại sao Ngài lại cho phép sự bất công như vậy? Có phải Chúa thờ ơ với đau khổ của nhân loại? Động đất, bão lụt và thảm họa thiên nhiên khác có phải là một hình phạt thiêng liêng?

Mặc dù điều này có thể khó hiểu về mặt nhân loại, nhưng câu trả lời nằm ở trung tâm Kinh Thánh. Đặc biệt là trong sách Gióp, nhân vật chính - mặc dù là một người công chính - phải trải qua những đau khổ không đáng có: không phải do lỗi của chính mình, ông mất hết tài sản, con cái, và cuối cùng chính ông mắc một căn bệnh nghiêm trọng. Trong bức tông thư Salvifici Doloris, ĐGH Gioan Phaolô II giải thích rằng đau khổ không phải lúc nào cũng là một hình phạt. Ngài mô tả ông Gióp, chịu đựng "vô số đau khổ" và người chung quanh tin rằng ông chắc chắn đã làm điều gì đó sai trái. Họ nói đau khổ luôn là một hình phạt cho một tội ác đã gây ra và chính Thiên Chúa gửi đến nhân danh công lý.

"Đối với họ, điều này có thể có ý nghĩa như một hình phạt vì tội lỗi, do đó chỉ đặt mình trên nền tảng của công lý Chúa là thưởng cho điều tốt bằng điều tốt và trừng phạt cái ác bằng sự dữ. Trong trường hợp này, điểm tham chiếu là giáo lý được thể hiện trong Cựu Ước, cho thấy đau khổ là một hình phạt của Thiên Chúa vì tội lỗi của loài người."

Điều tương tự cũng xảy ra khi mọi người cho rằng thiên tai là "việc Chúa làm", ĐGH Ba Lan viết. Tuy nhiên, câu chuyện ông Gióp chứng minh tuyên bố này là sai.

Nếu đúng là đau khổ có ý nghĩa như một hình phạt khi được liên kết với tội lỗi, thì ngược lại tất cả đau khổ đều là hậu quả của tội lỗi và có tính chất trừng phạt. Khuôn mặt ông Gióp, người công chính là một bằng chứng đặc biệt về điều này trong Cựu Ước. Sự mặc khải, lời của chính Thiên Chúa, thẳng thắn đặt ra vấn đề về đau khổ của người vô tội: "chịu đau khổ mà không có lỗi. Gióp không bị trừng phạt, không có cơ sở để gây ra một bản án cho ông ấy, mặc dù ông ấy phải chịu đựng một thử thách đến tận cùng nghiệt ngã", GH Gioan Phaolô II viết.

Nhưng đây chưa phải là kết thúc của câu chuyện: Là người công chính, ông Gióp tin vào sự tồn tại của một Đấng Công Bình. Không hiểu bi kịch từ đâu ập đến với mình nhưng ông vẫn trung thành với Chúa. Trong cảnh cuối cùng, Thiên Chúa giúp ông hiểu rằng chẳng có bất hạnh nào không thể đảo ngược. Sau đó, ông khôi phục về trạng thái tốt hơn so với trạng thái đã mất.

Đây không phải là vấn đề về sức chịu đựng số phận do Thiên Chúa quyết định, mà là chiến đấu chống lại những bất công mà chính Ngài đang phẫn nộ!

Ngắm nhìn Đức Kitô trên thập tự giá, chúng ta có thể hiểu rõ hơn những gì ông Gióp nói với vợ mình: "Nếu chúng ta đón nhận hạnh phúc đến từ Thiên Chúa, thì tại sao không đón nhận bất hạnh theo cùng một cách?"(G 2,10). Đây không phải là vấn nạn về việc chịu đựng số phận do Thiên Chúa định đoạt, mà là chiến đấu chống lại những bất công mà chính Ngài đang phẫn nộ! Đồng thời con người được mời gọi đón nhận những bất hạnh mà Ngài "cho phép" tồn tại. Đó là sự Quan Phòng nhiệm mầu của Chúa được các thánh trên Trời chiêm ngưỡng.

Tại sao nhiều thiên tai?

Người ta vẫn có thể hỏi tại sao Chúa cho phép rất nhiều thiên tai? Tại sao Công Trình Sáng Tạo của Ngài, vốn không sai điều gì, lại trở nên tàn nhẫn bằng cách gây ra cái chết của người vô tội?

Khi Thiên Chúa tạo dựng thiên nhiên, mọi thứ đều tốt đẹp. Nhưng khi tội lỗi xâm nhập vào thế giới, thiên nhiên cũng bị ảnh hưởng. Sự mục ruỗng của công trình tạo dựng cho đến nay là do tội lỗi, do tham lam của loài người và dẫn đến thiên tai. Trước sa ngã của A-đam và Ê-va (và do đó của toàn nhân loại), có sự hài hòa giữa con người, động vật và thiên nhiên, nhân loại là người bảo vệ công trình sáng tạo. Chương đầu tiên của Kinh Thánh nói, "Và Thiên Chúa thấy tất cả những gì Ngài đã thực hiện; và này: điều đó thật tốt lành" (St 1,31). Nhưng khi A-đam và Ê-va phạm tội, một trong những hậu quả đầu tiên là phá vỡ sự hài hòa này.

Những sự kiện này là kết quả của tình trạng bất toàn của nhân loại. Sự bất toàn không đến từ Thiên Chúa mà từ sự dữ.

Do đó, tội nguyên tổ không chỉ ảnh hưởng đến linh hồn của người nam và người nữ, mà còn đem lại rối loạn cho thế giới tự nhiên. Như Giáo lý giải thích, sự hài hòa bị phá vỡ, công trình tạo dựng trở nên kỳ lạ và thù địch với con người (GLCG,400). Cho dù điều tốt đẹp hiện hữu trong tự nhiên, nhưng cũng có những thảm họa như lũ lụt, bão tố và lốc xoáy. Những sự kiện này không trực tiếp là "công trình của Thiên Chúa", nhưng là kết quả của sự không hoàn hảo của thế gian. Sự không hoàn hảo này không đến từ Thiên Chúa, mà đến từ sự dữ.

Câu trả lời sáng tỏ của Thánh Augustinô

Thánh Augustinô, nhân chứng của một trận động đất làm đổ nát một số thành phố tại Tiểu Á vào năm 397, nhìn thấy từ sự kiện này một lời nhắc nhở về sự mong manh của cuộc sống con người chúng ta:

"Vì vậy, chúng ta hãy làm việc để sống tốt và, để có sức mạnh làm điều đó, hãy khẩn nài Đấng đã trao bổn phận cho chúng ta. Nhưng với cách sống tốt đẹp này, chúng ta đừng cầu xin Chúa những ân ban thế gian. Chúng ta hãy chia sẻ quan điểm của mình về Lời Ngài đã hứa. Chúng ta hãy giữ lấy trái tim mình, đừng để những khuynh hướng thế tục làm hư hỏng. Mọi thứ chiếm giữ con người ở đây đều qua đi, đều chạy trốn: Cuộc sống con người trên trái đất chỉ là một làn hơi nước. Cuộc sống này, vốn đã rất mong manh, cũng phải đối mặt với những nguy hiểm to lớn và liên lỉ."

Thánh Augustinô nhấn mạnh một đặc điểm của sự khôn ngoan Kitô giáo: "Chúng ta không thể giải thích mọi thứ, nhưng chắc chắn về một điều: Chúng ta biết rằng không có tình huống bất hạnh hay thử thách nào mà đức tin không thể chiếu sáng để giúp vượt qua. Vâng, đôi khi không thể chống lại sự dữ nhất thời, nhưng bằng cách tín thác vào Thiên Chúa, có thể tránh được sự dữ vĩnh cửu".

 
Marzena Devoud, "Pourquoi Dieu a-t-il permis ce terrible séisme?"
fr.aleteia.org 07.02.2023

Tác giả bài viết: Huuchanh VH dịch

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây