Giáo xứ Vinh Hương

Biết Chúa

Thứ năm - 05/07/2012 18:03

Biết Chúa

 
Biết Chúa.


Mc 6,1-6
Chúa Giêsu trở về quê quán Nagiaret là nơi Ngài đã sinh sống và trưởng thành. Ở đó, Chúa có những người bà con xóm giềng rất thân thiết, có rất nhiều những kỷ niệm và dân làng biết rõ về Chúa. Sau một thời gian ra đi truyền giáo, hôm nay Chúa trở về làng, vì trước hết ơn cứu chuộc phải ưu tiên cho những người thân thuộc của Chúa là dân làng Nagiaret, vậy mà Chúa lại phải ngạc nhiên vì thái độ cứng tin cuả họ.

Mọi con mắt dò xét Chúa để chờ xem Chúa có làm được nhũng sự lạ như thiên hạ đồn thổi không. Họ ngạc nhiên tại sao con bác thợ mộc bây giờ lại giảng hay thế! Mấy chục năm sống trong làng, anh Giêsu có thể hiện điều gì khác người đâu, ngày ngày chăm chỉ làm nghề thợ mộc và thảo hiếu với cha mẹ, cùng thờ phượng Thiên Chúa như mọi người. Hãy học bài học hạ mình của Chúa Giêsu, Đấng đã trút bỏ vinh quang của một vị Thiên Chúa để mặc lốt người phàm, một người nhà quê quá đỗi bình thường….để đừng ai khoe khoang kiến thức, công trạng, danh giá và học thức của mình.

Dân làng Nagiarét tự hào mình biết rõ về lai lịch và nguồn gốc của Chúa, nên họ chỉ ngạc nhiên mà không tin Lời giảng cũng như quyền năng của Chúa. Chúng ta cũng bị cám dỗ ham tìm những kiến thức mới lạ về Chúa và Tin Mừng, nhưng lại  không có lòng yêu mến. Khi đến với Chúa và khi nói về cầu nguyện, người Việt Nam mình thường dùng đến lời kinh được dọn sẵn mà ít khi có những lời tâm sự riêng tư với Chúa và nghe Chúa nói. Khi hai người yêu gặp nhau, họ không dùng đến những lời sáo rỗng mà họ trải bày cho nhau hiểu những tâm tư thầm kín, vừa trao ban vừa nhận lãnh những tình cảm nồng nàn mỗi người dành cho nhau. Thời đại chúng ta tràn ngập các trang mạng nhà đạo, chúng ta dường như bội thực kiến thức về Chúa, nhưng thử hỏi tình yêu ta dành cho Chúa có đằm thắm hơn chăng? Khi cầu nguyện, hãy coi chừng mình bị chia trí bởi những tưởng cao siêu mà không có lòng yêu mến. Một bà già nhà quê muốn đọc kinh lần hạt thật nhiều, nhưng không thành công, vì mỗi lần mới đọc kinh Lạy Cha thì bà lại giàn giụa nước mắt vì niềm hạnh phúc được gọi Thiên Chúa là Cha. Một em bé xin phép mẹ không dùng sách để cầu nguyện vì em muốn nói chuyện riêng với Chúa; bà mẹ hỏi: con nói với Chúa những gì? Em bé thưa: con cầu nguyện cho ba mẹ và anh chị được nhiều điều tốt lành và biết yêu mến Chúa, có lần con cũng xin được gặp Chúa nữa để con mãi ở bên Chúa. Một linh mục kể chuyện, có lần ra việc đền tội cho một hối nhân: “quỳ cầu nguyện 5 phút trước Thánh Thể”. Hối nhân đi ra và lát sau thì trở lại xin đổi một việc đền tội khác.  Có một hiện tượng đau lòng đang xảy ra trong các giáo xứ là người ta đi lễ đông đảo nhưng lại ngại dấn thân trong các công việc tông đồ để xây dựng Giáo hội địa phương tốt hơn. Càng ngày càng khó kiếm người làm việc ‘phục vụ không lương’ dù vị trí lớn hay nhỏ, kể cả người đọc sách Thánh. Vì sao vậy? – Ngại đụng chạm, ngại mất tự do, ngại mất thời gian, để được rỗi chỉ cần sống ngay lành là đủ. Vậy mà Thánh Giacôbê Tông Đồ lại nói: “Đức tin không việc làm là đức tin chết”. Xem  ra, chúng ta chỉ thờ kính Chúa ngoài môi miệng, còn lòng dạ mến Chúa chẳng có bao nhiêu.

Trong chuyến trở về quê hương lần nầy, Chúa Giêsu tạo một tiếng vang khiến cho dân làng đặt những câu hỏi: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?” Người ta ngạc nhiên và đưa ra những câu hỏi thiết yếu để tìm ra chân lý, nhưng đáng tiếc là câu trả lời họ đưa ra lại dẫn họ đến ngõ cụt vì chỉ nhìn thấy vẻ bề ngoài của Chúa. Trong cuộc sống, để hiểu biết sự thật, con người phải khiêm tốn lắng nghe người khác nói; nếu chỉ mình ta nói để phô trương kiến thức của mình thì ta chỉ cay đắng gặp lại chính mình với nỗi cô độc. Để gặp được Thiên Chúa và nhân sinh quan, con người phải quỳ gối xuống để cầu nguyện và xin ơn trợ giúp; nếu họ cứ mải đi tìm cách chứng minh những thực tại siêu nhiên bằng những chứng cớ vật chất thì họ chỉ thấy vỏ bên ngoài của vũ trụ và cuộc đời mình: mọi sự đều tự nhiên mà có và chết là hết. Và với một kết luận như thế, lòng họ đã khép kín cho những lời dạy dỗ của Thiên Chúa cùng những cử chỉ yêu thương của Người. Một người con trong gia đình, nếu cứ mải phân tích tình thương cha mẹ dành cho mình bằng cách so sánh với kẻ khác thay vì dùng quả tim để cảm nhận tình thương đó thể hiện liên tục trong đời mình, thì kẻ đó chỉ thấy vẻ tầm thường của mẹ cha.

Liên kết ba bài đọc trong phụng vụ, chúng ta thấy nổi bật lên ‘lòng chai dạ đá’ của con người trước lời dạy dỗ của Thiên Chúa. Bài đọc 1, tiên tri Êdêkiel được sai đến với dân Israel là một dân luôn phản nghịch chống lại Chúa; dù biết họ nghe hoặc không nghe, thì Chúa vẫn luôn sai người đến để dạy dỗ họ. Bài đọc 2, Thánh Phaolô cảm nghiệm được cơn cám dỗ phản loạn xảy ra nơi chính lòng mình khi quá tự hào về những mạc khải Chúa ban; sự tự cao tự đại và muốn thể hiện quyền bính luôn là một trở ngại để Thiên Chúa hành động, vì sức mạnh của Chúa được thể hiện trong sự yếu đuối. Thánh Phaolô đã thấu hiểu đường lối hành động của Chúa, nên nói: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của mình, khi bị sỉ nhục hoạn nạn bắt bớ ngặt nghèo vì Đức Kitô…vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu sống ẩn dật tuyệt vời đến nỗi dân làng phải vấp ngã vì ‘sự yếu đuối’ của Ngài, dù Lời Ngài giảng gây ngạc nhiên cho họ. Muốn thể hiện uy quyền và sức mạnh kiểu con người luôn là cạm bẫy cho tín hữu Kitô; nhưng hãy biết rằng Thiên Chúa luôn chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường, Chúa dùng những cái không không để làm bẽ mặt kẻ vênh vang…

Chúa Giêsu luôn mời gọi ta: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” và Chúa nói rõ chỉ có bệnh nhân mới cần đến thầy thuốc. Bởi đó, muốn được hưởng lòng thương xót Chúa và hiểu được những đường lối hành động của Chúa, ta phải trở nên nhỏ bé và khiêm tốn, biết phó thác đời mình cho Chúa tự do hành động. Hãy luôn ý thức rằng: bản tính con người luôn kiêu ngạo và hay phản loạn, không muốn tuân phục Chúa và luôn tìm cách phô trương bản thân mình trước anh em.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây