Giáo xứ Vinh Hương

Mùa Vọng

Thứ sáu - 29/11/2013 18:46




Từ "Mùa Vọng" (Advent - Avent) có nguồn gốc Latin "adventus" có nghĩa là "đến". Mùa Vọng là thời gian chờ đợi và hy vọng, nhưng đúng hơn là thời gian Chúa đến và tỏ hiện, với điểm nhấn là vinh quang Chúa Hiển Linh. Mùa Vọng chính là việc cử hành biến cố giáng sinh vinh quang của Chúa Kitô kéo dài trong bốn tuần, hơn là thời gian chuẩn bị cho lễ Chúa Giêsu giáng sinh làm người.
 
Nguồn gốc
 
Từ thế kỷ thứ IV, Mùa Vọng là thời gian ăn chay và sám hối để chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh.
 
Ở Đông phương, Công đồng Êphêsô năm 430 tán dương vai trò Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria và nhấn mạnh đến cử hành biến cố giáng sinh làm người của Con Thiên Chúa. Trong bối cảnh này, những tuần lễ trước ngày lễ Giáng Sinh và Hiển Linh, hợp thành một tiền chiêm niệm về Đấng Cứu Thế và Ơn Cứu Độ đã được các tiên tri loan báo. Các nghi thức phụng vụ Đông phương dành bốn hoặc năm tuần để ca tụng những sự kiện chuẩn bị biến cố giáng sinh của Đấng Thiên Sai, ca tụng những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị này, trước hết là thánh Gioan Tẩy Giả và Đức Trinh Nữ Maria, các thánh trong Cựu Ước và cuối cùng là sự biến đổi thế giới từ khi Thiên Chúa làm người đến cư ngụ.
 
Tại Rôma, từ thế kỷ thứ VI, dưới triều đại Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, thời gian Mùa Vọng còn 4 tuần lễ. Lúc này phụng vụ các ngày Chúa nhật hướng về niềm vui mừng của sự kiện Giáng Sinh ngày 25 tháng 12. Chủ đề ăn chay sám hối cổ xưa phai mờ dần. Đến thế kỷ thứ VIII và IX, các thánh lễ Mùa Vọng mới chính thức được sắp xếp để khởi đầu năm phụng vụ.
 
Năm 1963, Hiến chế về Phụng vụ của Công đồng Vatican II tuyên bố Giáo Hội "mở rộng toàn bộ mầu nhiệm Chúa Kitô trong chu kỳ hàng năm, từ mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh đến Thăng Thiên, cho đến ngày Lễ Ngũ Tuần, và Mong đợi Chúa đến".
 
Ý nghĩa phụng vụ
 
Niềm mong đợi Kitô giáo tìm thấy ý nghĩa tự nhiên trong các bản văn tiên tri, được linh hứng từ niềm mong đợi Đấng Thiên Sai: Isaia và Gioan Tẩy Giả là hai tiếng nói vĩ đại của phụng vụ Mùa Vọng trong Giáo Hội Công Giáo Rôma.
 
Mùa Vọng cử hành cùng lúc 3 sự kiện: Chúa Giêsu giáng sinh tại Bê-lem trong quá khứ, Chúa đến trong trái tim con người bằng ân sủng và Ngài lại đến trong vinh quang vào thời cánh chung. Từ đầu năm phụng vụ, các qui chiếu về quá khứ, hiện tại và tương lai được thể hiện ngay trong cấu trúc phụng vụ của Giáo Hội. Chúng ta dễ dàng bước qua từ năm phụng vụ này đến năm phụng vụ khác. Các Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Thường Niên chuẩn bị cho ngày Chúa đến trong vinh quang và sự phán xét chung cuộc mà đỉnh điểm là lễ Chúa Kitô Vua. Khởi đầu Mùa Vọng mời gọi chúng ta cảnh giác và sẵn sàng đón Chúa Kitô lại đến vào lúc chúng ta không biết (tương lai). Cho đến ngày 17 tháng 12 mới bắt đầu một tuần lễ long trọng chuẩn bị cho biến cố Giáng Sinh, chú trọng hơn đến cử hành mầu nhiệm Nhập Thể và sự kiện Chúa Kitô giáng sinh (quá khứ), để chúng ta có thể đón nhận ơn cứu độ tốt hơn (hiện tại). Sau một thời gian biến đổi, Phụng vụ dẫn chúng ta hướng tới tương lai và hành trình cứu độ.
 
Vào dịp Giáng Sinh, chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô sinh ra ở Bêlem như các tiên tri đã loan báo và mong đợi lời hứa của Thiên Chúa được ứng nghiệm. Nhưng Chúa Kitô vẫn đang hiện diện trong Giáo Hội, Ngài đến ở cùng và củng cố chúng ta. Chúng ta cần biết đón nhận sự hiện diện của Ngài ngay từ bây giờ, cần được nuôi dưỡng bởi Lời Ngài, trong niềm mong đợi và hy vọng sự trở lại vinh quang của Ngài. Mùa Vọng là thời gian biến đổi và hy vọng.
 
Phụng vụ hiện tại hoá quá khứ để thiết lập tương lai và thực hiện điều đó bằng một nghệ thuật hoàn hảo, dấu chỉ của sự viên mãn được ký thác cho mình.
 

Tác giả bài viết: Huuchanh

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây