Giáo xứ Vinh Hương

Máng cỏ

Thứ năm - 12/12/2013 19:16
Máng cỏ
Các tác giả Tin Mừng không đề cập đến ngày tháng năm sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta không có bất cứ sử liệu nào khác về sự kiện này. Theo Tin Mừng Thánh Luca, nơi đặt Chúa Giêsu khi vừa chào đời là một máng ăn của gia súc, có nguồn gốc latinh "scripia", "crèche - máng cỏ" phát xuất từ đó.
 
Có vẻ như Giáng sinh, cử hành vào ngày 25 tháng 12, đã không được các Kitô hữu trong ba thế kỷ đầu nhắc đến. Đến thế kỷ thứ VI, các tài liệu cổ cho thấy một Lễ Giáng Sinh được cử hành tại nhà thờ Santa Maria Maggiore ở Roma, trong đêm 25 tháng 12, xung quanh các di tích của máng cỏ đã được biết đến từ Bethlehem. Kỷ niệm sự ra đời của Chúa Kitô vào ngày 25/12, các Kitô hữu không kỷ niêm một thời điểm lịch sử chính xác, nhưng họ cử hành một thực tế quan trọng đối với Giáo Hội Kitô giáo: Đấng Cứu Thế tỏ hiện trên trái đất: "Thiên Chúa làm người trong Đức Giêsu Kitô và được sinh hạ cho chúng ta".
 
Thánh Phanxicô Assisi, vào năm 1223 đã tạo ra một khung cảnh Chúa giáng sinh sống động đầu tiên trong nhà thờ của ngài ở Greccio, nước Ý. Các nhân vật do dân làng đóng vai và động vật là những gia súc ​​thật. Chính "Máng cỏ sống động" này đã hình thành một truyền thống mà cho đến nay vẫn còn tiếp tục, nhưng các "diễn viên" đã được thay thế bởi những nhân vật bằng gỗ, sáp, các tông, đất nung và cả thủy tinh. Máng cỏ với nội dung như chúng ta biết ngày nay xuất hiện trong các nhà thờ từ thế kỷ thứ XVI, do các tu sĩ Dòng Tên thực hiện ở Prague năm 1562. Đó là một trong những máng cỏ lâu đời nhất được biết đến.
 
Sự xuất hiện của máng cỏ gia đình viết tiếp trang sử của máng cỏ Giáng sinh, đặc biệt là ở Napoli, từ thế kỷ thứ XVII, trong các gia đình quý tộc. Họ tái tạo cuộc sống hàng ngày của Napoli.
 
Tại nước Pháp, trong cuộc cách mạng, việc biểu diễn công cộng bị cấm, người ta thấy máng cỏ Giáng sinh xuất hiện trong nhà. Đó chính là nguồn gốc của máng cỏ Provence mà nội dung dựa trên đời sống thường ngày tại địa phương. Nghệ nhân tạo nên những nhân vật tiêu biểu của khu vực, của làng hoặc người quá cố trong gia đình. Sau đó xuất hiện thêm những bức tượng nhỏ đại diện cho nghề nghiệp bình dân mà họ biết: người xay bột, người mài dao, thợ giặt, .v.v…
 
Với người Công giáo, máng cỏ là một cách để sống ý nghĩa Giáng Sinh của Chúa Giêsu. Nó cho thấy rằng Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người của chúng ta: Con Thiên Chúa sinh ra trong khó nghèo giữa những người nghèo khó. Máng cỏ Giáng Sinh: một cơ hội để chiêm ngắm và đón nhận trong nhà thờ, nhưng cũng là để cầu nguyện trong gia đình.
 
"Noël: la crèche dans l’histoire"
Dominique Cadet

Tác giả bài viết: Huuchanh chuyển ngữ

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây