Giáo xứ Vinh Hương

Luyện ngục: Bức tranh khủng bố thời Trung Cổ hay cỗ máy "giặt" linh hồn?

Thứ hai - 28/10/2013 00:29
Luyện ngục: Bức tranh khủng bố thời Trung Cổ hay cỗ máy "giặt" linh hồn?

Luyện ngục là gì?

Dân gian thường nói: "Chắc chắn chúng ta sẽ không lên thiên đàng được trong tình trạng như chúng ta đang sống hiện nay". Ai dám xác quyết rằng mình luôn sống tốt mọi nơi mọi lúc trong suốt cuộc đời? Rất ít người trong chúng ta, có thể là không một ai.

Hãy nghe câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình mà người ta dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu. Những người tố cáo chị nói với Chúa Giêsu: "Nó phải bị ném đá theo luật Môi-sen. Còn ông, ông nghĩ sao?". Chúa Giêsu trả lời họ: "Ai trong các ông là người vô tội hãy ném đá trước đi". Một khoảnh khắc im lặng nặng nề! Và rồi, từng người một, họ bỏ đi. Tác giả Tin Mừng cho biết: "người lớn tuổi rút lui trước". Thế đấy!

Thiên Chúa là tình yêu và vương quốc của Ngài, Thiên Đàng hay Nước Trời, là một vương quốc của tình yêu. Hầu hết chúng ta đều cần phải được thanh luyện, nghĩa là trở nên hoàn hảo để xứng đáng sống tình yêu Chúa. Không còn hận thù và ghen ghét, không còn bạo lực và oán hờn, cũng chẳng còn tranh chấp và vướng bận lo toan ... Hạnh phúc không thể có ý nghĩa nào khác. Nhưng chúng ta có thực sự sẵn sàng vào giây phút cuối đời để dứt khoát bước vào ánh sáng tình yêu và lòng nhân từ mà Thiên Chúa thông truyền với các thánh?

"Những người chết trong ân nghĩa Chúa nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, mặc dù chắc chắn được cứu độ đời đời, còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thanh tẩy cần thiết để vào hưởng phúc thiên đàng" (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1030-1032).

Luyện ngục không phải là cuộc sống mới mà là sự thanh tẩy, một việc "điều chỉnh tình yêu". Luyện ngục không phải là một nơi chốn mà là một sự biến đổi: Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa đòi hỏi mọi dấu vết của sự dữ, mọi dấu vết thiếu vắng tình yêu phải biến mất khỏi chúng ta.

Cuộc thanh luyện này không phải do chúng ta mà do chính Chúa Giêsu Kitô thực hiện. Nhưng nhờ lời cầu nguyện, nhờ công việc bác ái, chúng ta có thể kết hợp với Ngài trong việc thanh luyện linh hồn người đã qua đời. Đây là ý nghĩa đích thực của lời cầu nguyện, của việc nài xin lòng khoan dung Chúa và của các thánh lễ cầu cho người đã khuất.

Các thánh thông công là gì?

Kinh Tin Kính, bản tóm tắt những điều Kitô hữu phải tin từ hơn hai ngàn năm nay, cho biết: "Tôi tin các thánh thông công".

Đối với Kitô hữu, có một mối liên hệ mật thiết giữa những người đang ở trên nước trời với Thiên Chúa là các thánh, và chúng ta, những người đang sống trên trần gian. Cần phải xác tín rằng các thánh không chỉ là những vị đã được Giáo Hội chính thức tuyên thánh mà chúng ta gọi là "các thánh được tôn phong" (les saints canonisés). Những người đã chết trong ân nghĩa Chúa cũng đang ở với Ngài, có thể phải trải qua thanh luyện nếu cần thiết: Họ là thánh. Các Kitô hữu tiên khởi cũng gọi những người đã chịu phép rửa đang sống trên cõi đời này là thánh. Giữa ba loại "thánh" này tồn tại sự "hiệp thông của các thánh" (hay "các thánh thông công"). Đây là "ba trạng thái của Hội Thánh" (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 954).

Với các linh hồn nơi luyện ngục - trong trạng thái được thanh luyện - họ không bị loại trừ khỏi cộng đoàn. Họ dự phần vào sự hiệp thông của các thánh trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Họ cũng có thể cầu nguyện cho chúng ta, chia sẻ những khó khăn cuộc sống và giúp chúng ta vượt qua cuộc biến đổi khi đến lượt mình. Do đó, tồn tại một sự gắn kết thực sự giữa thiên đàng, luyện ngục và những người còn sống trên thế gian này.

Chúng ta làm được gì cho người đã qua đời?

Những người đã hoàn tất cuộc sống trần thế, nhưng cần phải được thanh luyện để tham dự vào sự thân mật với Thiên Chúa. Họ đang ở trong một trạng thái chuyển tiếp, theo truyền thống được gọi là "luyện ngục", bởi vì để vào ngọn lửa của tình yêu Thiên Chúa, cần phải được lửa tình yêu đốt cháy ...

Lời cầu nguyện của chúng ta cho người đã qua đời có thể đóng góp vào sự thanh luyện này, cho phép họ cởi mở hơn với Thiên Chúa. Nhờ lời cầu nguyện và thánh lễ, bằng cách nào đó, chúng ta có thể đẩy nhanh tiến độ cuộc hành trình về với tình yêu tinh tuyền. Nhưng đối với Thiên Chúa, thời gian không hiện hữu: nếu hôm nay chúng ta đã, đang và sẽ cầu nguyện cho những người đã khuất thì Thiên Chúa đã biết rõ lời cầu xin của chúng ta rồi.

Lời cầu nguyện tốt nhất là dâng thánh lễ, tham dự thánh lễ với ước nguyện sốt sắng. Ngôn từ khô khan nghèo nàn của chúng ta, cho dù thế nào đi nữa vẫn có sức mạnh to lớn đối với người đã qua đời: chúng chạm vào trái tim Chúa. Ngoài ra còn có các ân xá, và chúng ta cũng có thể dâng lên những việc làm nhỏ bé vì tình yêu để cầu nguyện cho linh hồn người quá cố.

Các truyền thuyết (câu chuyện "Nhà thờ chính tòa" – "La cathédrale" chẳng hạn) về những linh hồn đáng thương bị bỏ rơi trong luyện ngục đang mong chờ vô thời hạn một lời cầu nguyện hoặc thánh lễ, chỉ để lưu ý chúng ta biết chuyên chăm cầu nguyện cho người quá cố mà thôi.

Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, và tình yêu của Ngài còn lớn hơn những gì chúng ta làm hoặc không làm. Ngài không cần đến ta để thực thi lòng thương xót.

Không phải Thiên Chúa không thể thanh tẩy các linh hồn nếu không có sự cộng tác của chúng ta! Nhưng Ngài muốn chúng ta dự phần vào một tình yêu hiệp thông sống động. Bởi vậy, những người còn sống có thể làm được rất nhiều cho người đã qua đời vì chúng ta là ân huệ phong phú của lòng thương xót Chúa.

Viết theo "Le Purgatoire"  và "Que pouvons-nous faire pour ceux qui nous ont quittés?" (catholique.org)

Tác giả bài viết: Huuchanh

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây