Giáo xứ Vinh Hương

Tin hay không tin Giáo Hội?

Thứ sáu - 06/09/2013 09:45
Có người nói: "Tôi tin Thiên Chúa, nhưng tôi không tin Giáo Hội cũng không tin các linh mục".

Đó là sự thật! Tất cả mọi người được tự do tin hay không tin, tự do là người Công giáo hay Phật giáo, tự do là người bất khả tri hay tín hữu, tư bản hay cộng sản ... hoặc tự do ủng hộ đội bóng mình thích. Đó là một trong những quyền căn bản và bất khả xâm phạm của mỗi người. Tất cả đáng được chúng ta tôn trọng khi họ hành động với sự trung thực. Nhưng người bạn này muốn nói gì? Anh ấy có thực sự biết những gì mình nói không? Hoặc giả đó không chỉ là một trong những điều ngớ ngẩn mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn nói? Chúng ta không tưởng tượng được khi người đó nói: Tôi tin vào chủ nghĩa xã hội nhưng không tin con người xã hội chủ nghĩa. Về cơ bản, họ không phản đối Giáo Hội, cũng không phản đối cánh hữu hoặc bất kỳ đảng phái chính trị nào, nếu không phải là ý tưởng họ sở hữu từ các tổ chức này.
 
Thực tế chẳng có gì để làm với ý tưởng của họ, kết quả của định kiến ​​bay đi theo gió và từ một nền giáo dục tồi. Họ đã không đọc Tin Mừng, không đọc Marx cũng chẳng đọc Hegel, họ cũng chẳng bận tâm đến các tác phẩm của Đức Giáo Hoàng hay chương trình hành động của các đảng phái khác nhau. Họ tự giới hạn trong việc hô hào những điều họ không hiểu, đây là một sự xúc phạm tinh thần đối với bất cứ trí tuệ nào.
 
Kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng, không ai dám nói những gì về Giáo Hội như với bất kỳ tổ chức nào khác, ví dụ:
 
- Không có công nhân hay nhân viên nào cho biết họ tin vào công việc trong các doanh nghiệp, nhưng không tin lãnh đạo, kỹ thuật viên, cơ cấu tổ chức hay văn phòng .v.v...
 
- Không người lính nào nghĩ rằng có thể chiến đấu mà không có tướng lãnh, cấp chỉ huy, vũ khí và những phương tiện dẫn đường ... hoặc họ có thể không tuân theo các cấp chỉ huy.
 
- Người ta không thể tin bóng đá mà không tin cầu thủ bóng đá, các nhà quản lý, luật chơi, huấn luyện viên , sân bóng.
 
- Không thể tin vào nền giáo dục, mà không tin giáo chức hoặc sự cần thiết của trường học .
 
Không nghi ngờ rằng chúng ta có thể làm việc ngay cả khi không ưa các nhà lãnh đạo, đến trường học ngay cả khi giáo viên không tốt, và chiến đấu ngay cả khi mệnh lệnh khiến ta khó chịu. Vậy thì thật nực cười khi không thích một số linh mục thì chúng ta rời bỏ Giáo Hội. Đó có phải là cái cớ để biện minh cho lối sống của chúng ta? Đừng phí thời gian: Không có các nhà lãnh đạo hoặc luật lệ nào thoả mãn được mọi sở thích.
 
Theo khuynh hướng này, họ cảm thấy không cần linh mục, nhà thờ hoặc nghi thức phụng vụ. Họ chỉ cần nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa. Điều này, tất nhiên, (ngay cả khi không nói ra) họ cũng không bao giờ làm. Tin Thiên Chúa và sẵn sàng đi theo Ngài, nhưng theo cách riêng mình, như một Thiên Chúa mà chúng ta tuỳ nghi sở hữu theo ý tưởng bất chợt của mình.
 
Giáo Hội là một tổ chức thiêng liêng, nhưng được chi phối bởi con người với những nhân đức và cả những thiếu sót của mình. Chúa Kitô đã hứa nâng đỡ Giáo Hội cho đến ngày tận thế, nhưng Ngài không thể bảo đảm lòng trung thành và ý thức của tín hữu, Ngài để họ tự do chấp nhận hoặc từ chối điều răn Ngài.
 
Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã từng so sánh một cách sâu sắc: "Giáo Hội như mặt trăng chỉ có đất, đá và sa mạc, nhưng nhìn từ trái đất thì đó là một thiên thể tuyệt vời chiếu sáng chúng ta vào ban đêm, cho dù ánh sáng không phải của chính nó".  Thực tế, Giáo Hội là đất, đá và sa mạc. Nhưng Giáo Hội cũng là một thiên thể có vẻ đẹp vô song chiếu sáng đêm dài của chúng ta bằng ánh sáng đức tin. Càng biết Giáo Hội, chúng ta càng yêu mến, và càng hiểu sâu sắc hơn tại sao đây chính là Nhiệm Thể Chúa Kitô.
 
Bất kỳ ai tự xét trong nhận thức là Kitô hữu hay người theo chủ nghĩa xã hội, là người cộng sản hay Phật tử, hoặc bất cứ gì đi nữa, cũng sẽ chấp nhận các luật lệ tương ứng và tuân lệnh thượng cấp của mình, nếu không, người ấy sẽ tự đào thải hoặc bị người khác trục xuất.
 
Với người Công giáo, những gì thuộc về Giáo Hội hoặc những gì là Giáo Hội và mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa phải được chi phối bởi Lời Chúa Kitô trong Tin Mừng, trong sách Công Vụ tông đồ và trong truyền thống Kitô giáo đã được lịch sử chứng minh. Trong tôn giáo cũng như trong quân đội, trong giáo dục cũng như nơi làm việc, không ai có thể tự ý làm theo sở thích riêng mình.
 
Tin Mừng Matthêu có thể soi sáng chúng ta:
 
Khi ấy, Chúa Giêsu nói: "Thầy bảo thật, con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và các cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời, điều gì con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc và điều gì con tha dưới đất thì cũng sẽ được tha trên trời". Đây là bằng chứng rõ ràng nhất việc Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội. Đây không phải là một sáng kiến của con người. Các tông đồ đã không nhận ra “giá trị chính trị” hay sự giàu sang mà Giáo Hội có thể có. Đơn giản là các ngài chỉ theo lệnh Chúa Giêsu.
 
Rất rõ ràng là Chúa Giêsu thành lập Giáo Hội của Ngài trên nền Tảng Đá Phêrô, và Ngài đã trao cho Phêrô quyền cai trị trên trái đất. Tuy nhiên, người ta có tin Lời Chúa Giêsu hay không, nếu tin thì chẳng có gì để nói. Nếu Giáo Hội là một tổ chức nhân loại thì sẽ không tồn tại được trong nhiều năm. Nhưng cho đến nay, đây là tổ chức lâu đời nhất được biết đến trên trái đất.
 
Phải học cho biết trước khi nói. Để nói về Giáo Hội, chúng ta phải biết một chút giáo hội học và lịch sử Giáo Hội. Để nói về Thiên Chúa phải biết ít nhất là thần học tín lý, thần học luân lý và thần học bí tích, hay hiểu biết Giáo lý Công giáo một cách sâu sắc và một đời sống cầu nguyện liên lỉ. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ nói chung chung, không có nền tảng.
 
Bài học đạo đức của câu chuyện này là nên biết trước khi nói. Và phải hiểu biết tường tận về Giáo Hội, nếu không, quan điểm​​ "tôi tin Thiên Chúa nhưng không tin Giáo Hội" là phù phiếm và hời hợt.
  
Chuyển ngữ từ “Croire en l’Église?", Alejo Fernández Pérez (Catholique.org)

Tác giả bài viết: Huuchanh

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây