Giáo xứ Vinh Hương

Mùa Chay, một cuộc chiến thiêng liêng

Thứ bảy - 11/03/2023 06:34
Chúa "không bỏ mặc chúng ta sa chước cám dỗ" nhưng Ngài "cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ".
Mùa Chay, một cuộc chiến thiêng liêng

Chúa Giêsu chịu cám dỗ. Chúng ta thậm chí có thể nghĩ rằng Ngài, với tư cách là một con người với bản tính nhân loại như chúng ta, là người phải chịu cám dỗ nhiều nhất. Ý tưởng này có xúc phạm không? Chúng ta có nghĩ rằng các thánh đã đạt đến mức độ thánh thiện cao nhất nên không còn phải đối mặt với cám dỗ? Rằng các ngài đã đạt được trạng thái bình an về tinh thần và đạo đức mà không phải chịu mọi cuộc đấu tranh? Chúa Giêsu còn hơn thế nữa! Nhưng đó không phải là những gì các nhà truyền giáo nói với chúng ta.

Chúa Giêsu vào hoang địa, nơi Ngài bị ma quỷ cám dỗ mãnh liệt, như Tin Mừng Luca nói (Lc 4,1-13). Ngài cũng sẽ như vậy trong suốt cuộc đời mình, ngay cả trên thập giá. Ma quỉ thách thức Ngài qua miệng các thầy thượng phẩm và thông luật: "Hắn cứu được thiên hạ mà chẳng cứu nổi mình. Này ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng tôi thấy và tin" (Mc 15,31). Chúa Giêsu có thể làm điều đó, Ngài bị cám dỗ để làm điều đó: nhưng rồi Ngài sẽ cứu thế gian như thế nào? Ngài sẽ giải thoát chúng ta khỏi bủa vây của tội lỗi và sự chết như thế nào?


Ba lần cám dỗ

Cám dỗ đến từ ma quỷ. Bản thân cám dỗ không phải là tội lỗi. Tội lỗi bắt đầu ngay khi chúng ta nghe theo cám dỗ, khi chúng ta để nó xâm nhập vào mình, khi chúng ta bắt đầu đồng tình với nó. Nhưng Chúa Giêsu tuyệt đối không đồng tình với cám dỗ. Trước những tấn công của kẻ cám dỗ trong sa mạc, Ngài chống trả bằng thành lũy Lời Chúa. Ba cơn cám dỗ Chúa Giêsu chịu bao gồm "mọi hình thức cám dỗ", theo Thánh Luca. Chúng tương ứng với ba cám dỗ của Israel nơi hoang địa trong sách Xuất Hành.

Đầu tiên, biến đá thành bánh, gợi nhớ đến lời than thở của những người đang đói. Đáp lại, Thiên Chúa cho mưa ma-na và chim (Xh 16): Cám dỗ đảo ngược giá trị khi chúng ta đặt của cải vật chất lên trên những giá trị tinh thần.

Thứ hai, để nhận được quyền bính và vinh quang mọi vương quốc trên trái đất thì phải phủ phục trước ma quỷ, gợi nhớ đến việc dân Israel đã tạo một con bò vàng và phủ phục trước bức tượng trong khi Môisen đang ở trên núi Sinai (Xh 32): Cám dỗ vĩnh cửu về thần tượng và quyền lực.

Cuối cùng, nhảy xuống từ điểm cao nhất trên đền thờ để xác định rằng Ngài thực sự là Con Thiên Chúa và rằng Cha Ngài sẽ sai thiên thần bảo vệ, gợi nhớ đến việc dân Israel nghi ngờ Thiên Chúa khi Ngài thử thách họ ở Massa và Mériba (Xh 17,1-7), "Chúa có ở cùng chúng ta không?": Cám dỗ chống lại niềm tin khi một người đang trải qua thử thách và Thiên Chúa dường như im lặng. Cám dỗ muốn biết mọi thứ về kế hoạch của Chúa thay vì tin cậy Ngài.

Vạch mặt kẻ cám dỗ

Trở lại xa hơn với câu chuyện trong Kinh Thánh về nguồn gốc loài người, chúng ta biết rằng Êva và Ađam, sau khi để rắn gieo rắc nghi ngờ về Thiên Chúa trong tâm trí, đã nhường bước trước một ham muốn gấp ba lần: "Người đàn bà nhận ra rằng trái cây 'biết thiện và biết ác' phải ngon, thật là hấp dẫn khi nhìn vào và cây này đáng mơ ước như thế nào, vì nó mang lại sự thông hiểu" (St 3,6). Ham muốn là gốc rễ của tội lỗi, là cửa ngõ dẫn đến cám dỗ. Chúa Giêsu không nhượng bộ ham muốn sở hữu, cũng không nhượng bộ ham muốn quyền lực hay thông hiểu. Chúa Giêsu đối đầu với kẻ cám dỗ là ma quỷ ngay trên lãnh địa của nó. Ngài chấp nhận phải chịu cám dỗ để chiến thắng ngay tại nơi mà cả nhân loại đã bị đánh bại trong Ađam và Êva, để dân yếu đuối trở lại mạnh mẽ. Đó là lý do tại sao, qua cuộc chiến chống lại cám dỗ, Ngài cứu Israel và cả nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết. Chiến thắng này chắc chắn sẽ giành được bằng cái chết trên thập tự giá và sự phục sinh của Chúa Giêsu vào ngày thứ ba.
 
Trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi thực hiện mạnh mẽ hơn cuộc chiến thiêng liêng chống lại kẻ cám dỗ, kẻ đã hết lần này đến lần khác tìm cách tách rời chúng ta khỏi Thiên Chúa nhằm sai khiến chúng ta nổi dậy chống lại Ngài. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn biết phân định để vạch mặt kẻ dối trá, xác định những mánh khoé nhằm đẩy lùi thủ đoạn của nó.

Đúng vậy, Chúa "không để chúng ta sa chước cám dỗ", không để cám dỗ chiếm đoạt chúng ta, không để nó thuyết phục chúng ta, bao vây chúng ta, xâm chiếm chúng ta, nhưng Ngài "cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ".
 
Lm. Jacques de Longeaux, "Le carême, un temps de combat spirituel"
fr.aleteia.org

Tác giả bài viết: Huuchanh VH dịch

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây