Giáo xứ Vinh Hương

Giáo hội Công Giáo Đài Loan kỷ niệm "Ngày Người Bản Địa"

Chủ nhật - 07/08/2022 21:06
Giáo hội Công Giáo Đài Loan kỷ niệm "Ngày Người Bản Địa"
Mặc trang phục truyền thống đầy màu sắc, hàng trăm người bản địa ở Đài Loan hát những bài ca truyền thống, nhảy múa và cầu nguyện cùng nhau khi tham dự lễ kỷ niệm do Giáo hội tài trợ nhằm đánh dấu niềm vui về sự kiện hiến pháp chính thức công nhận quyền của họ.

Giáo phận Cao Hùng ở miền nam Đài Loan đã tổ chức Ngày của người bản địa lần thứ 16 vào ngày 1 tháng 8.

Ngày này kỷ niệm việc chính thức đặt tên cho các cộng đồng thổ dân của đảo quốc là "dân tộc bản địa" vào ngày 18 tháng 07 năm 1997, và được hiến pháp chính thức công nhận là cư dân đầu tiên của đất nước.

Lễ kỷ niệm kéo dài một ngày bao gồm sự kiện văn hóa là những buổi biểu diễn của các cộng đồng dân tộc địa phương, có sự tham dự của các nhà lập pháp, quan chức chính phủ và đại diện của các giáo xứ trong giáo phận, một báo cáo trên trang web của giáo phận cho biết.

Người Công giáo bản địa địa phương đã tham gia vào các sự kiện biểu diễn trang phục truyền thống, một số trong đó có từ 6.000 năm trước.

Một điểm nổi bật chính trong ngày là việc trình bày một bài hát dân gian cổ bằng ngôn ngữ Paiwan của mỗi nhóm.

Giám mục Norbert Pu của Gia Nghĩa cử hành thánh lễ tạ ơn với Giám mục Peter Cheng-Chung Liu của Giáo phận Cao Hùng.

Trong bài giảng, Đức Giám mục Pu, một thành viên của cộng đồng dân tộc Tsou, nhấn mạnh sự cần thiết phải dạy ngôn ngữ và văn hóa cho giới trẻ thông qua gia đình.

"Làm thế nào để Giáo hội địa phương có thể hợp tác với các gia đình nhằm truyền lại sự cứu rỗi mà thế hệ trước nhận được cho thế hệ tiếp theo? Đây là mục tiêu mà Ủy ban Mục vụ Thổ dân của Hội đồng Giám mục hướng tới," Đức Cha Pu nói.

Kể từ năm 2006, các Giám mục Công giáo Đài Loan đã thiết lập Ngày Thổ dân vào ngày 01 tháng Tám.

Đài Loan sửa đổi Hiến pháp vào ngày 01 tháng 08 năm 1994, để chính thức công nhận các cộng đồng thổ dân là cư dân đầu tiên của đất nước. Từ đó, mở đường cho việc công nhận mang tính quốc gia của 16 nhóm bản địa.

Ba năm sau, Đài Loan bỏ thuật ngữ xúc phạm "người thượng yêu nước" và áp dụng thuật ngữ "người bản địa" cho các cộng đồng thổ dân.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy Đài Loan có khoảng 600.000 người bản địa, chiếm khoảng 2,3% trong số ước tính 26 triệu dân của Đài Loan.

Thổ dân Đài Loan được gọi chung là người Austronesian có mối liên hệ ngôn ngữ và di truyền với người dân Philippines và các nhóm Polynesia khác, theo trang web Guide to Taipei.

Trong một sự kiện khác vào ngày 01 tháng 08, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn kêu gọi toàn dân cần phải dành cho người bản địa sự tôn trọng xứng đáng.

"Xã hội nên tôn trọng và học hỏi từ các dân tộc bản địa", Tổng thống Thái nói trong bài phát biểu trước quốc dân, Taipei Times đưa tin.

Bà cũng nói thêm rằng chính phủ đang hợp tác với người dân bản địa để biến họ thành "chính thống hơn".

Giáo hội Công giáo ở Đài Loan có khoảng 300.000 thành viên trong một tổng giáo phận và sáu giáo phận, dữ liệu của Giáo hội địa phương cho thấy. Một số lượng đáng kể người Công giáo là người tị nạn từ Trung Quốc đại lục và người di cư từ nhiều quốc gia khác nhau bao gồm Việt Nam, Philippines và Indonesia.

Trước đây được gọi là Formosa, Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền và dân chủ, nhưng chưa bao giờ chính thức được tuyên bố độc lập. Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và đe dọa sẽ sáp nhập về mặt quân sự.

Hòn đảo đã là nơi sinh sống của các cộng đồng thổ dân trong nhiều thế kỷ cho đến khi các thương nhân Hà Lan xuất hiện, bắt đầu với Công ty Đông Ấn Hà Lan vào năm 1624. Sự xuất hiện của người Tây Ban Nha hai năm sau đó đã giúp giới thiệu Kitô giáo đến hòn đảo.

Lịch sử chính trị của Đài Loan đã có một bước ngoặt đáng kể sau khi các lực lượng dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc (Quốc dân đảng) chuyển đến hòn đảo sau thất bại dưới bàn tay của lực lượng Cộng sản ở Trung Quốc đại lục.

Đất nước này nằm dưới sự cai trị chuyên quyền của nhà độc tài quân sự Tưởng Giới Thạch từ năm 1950-1975 và con trai ông là Tưởng Kinh Quốc, từ năm 1978-1988. Trong thời gian đó, nhiều người Đài Loan bị buộc tội chống chính phủ và phải đối mặt với áp bức, giam cầm và hành quyết.

Đài Loan dần chuyển sang nền dân chủ thông qua một loạt các cải cách lập pháp trong thập niên từ 1980 đến 1990.
Theo UCANEWS.COM 06.08.2022

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây