Giáo xứ Vinh Hương

Những tiếng chuông báo tử

Thứ ba - 13/03/2012 03:47
- Tiếng chuông báo tử mang một chiều kích cộng đồng và tương ái.
Những tiếng chuông báo tử

Ngày xưa, nhiều xứ đạo có thói quen giật chuông báo tử khi có người tín hữu qua đời. Những tiếng chuông trầm buồn vang lên trong những giờ khắc ngoại lệ trong ngày mang thật nhiều ý nghĩa. Trước hết đó là sự đồng cảm cho cuộc chia ly với một người anh em đã từng chung sống với mình trong Giáo hội địa phương: nếu 7 tiếng là nam và 9 tiếng là nữ; ai nấy cùng hiệp thông dâng lời cầu nguyện tha thiết cho linh hồn vừa qua đời được hưởng lòng thương xót Chúa; tiếng chuông báo tử cũng muốn nói với những người đang sống rằng: cuộc sống nơi trần gian của mỗi người rồi cũng có ngày chấm dứt. Không biết từ bao giờ, tiếng chuông báo tử đã không còn ngân vang từ nóc giáo đường nữa, việc ra đi khỏi trần gian của ai đó trở thành biến cố của riêng gia đình họ và tiếng nói của hiệp thông trong xứ đạo phần nào đó cũng yếu đi ...

Tôi muốn dùng hình ảnh ‘tiếng chuông báo tử’ của đời thường để nói lên những cảnh báo mang mầm chết chóc cho đời sống tâm linh:

Vấn đề giáo dục con cái. Là những người cha mẹ Kitô giáo, chúng ta có thể nghiệm ra rằng: sinh con và nuôi con dễ hơn là giáo dục chúng. Xã hội Việt Nam đang chao đảo với lối sống của tây phương tràn vào: gia đình lung lay, khuynh hướng hưởng thụ, chạy theo đồng tiền, lối sống buông thả, giáo dục học đường chỉ nặng truyền thụ kiến thức hơn là dạy nhân cách… thật khó để dạy con cái sống cho ra con người và cho ra người con Chúa. Ở các xứ đạo, đa số các em học giáo lý để lãnh bí tích Thánh Thể và Thêm sức, còn sau đó học để đối phó, kiến thức thu nhận chẳng được bao nhiêu! Tuổi trẻ Việt Nam được báo động là sống không rõ mục đích cuộc sống: con người từ đâu mà có, sống để làm gì và sẽ đi về đâu?

Từ ngày 17 đến 23-3-2009, Đức Thánh Cha Benêdictô 16 đã viếng thăm 2 nước Camerun và Angola ở châu phi, là một đại lục bị hoành hành bởi nạn dịch Sida. Ngài không nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội của Châu Phi, mà để nói với Châu Phi về Ðức Kitô và Tin Mừng của Người. Thế nhưng, các phương tiện truyền thông của phương Tây chủ yếu tập trung vào câu nói của Ðức Giáo hoàng: "Chúng ta không thể thắng được cơn dịch này chỉ bằng việc phân phát bao cao su. Ngược lại, nó còn làm cho vấn đề trầm trọng thêm, mà phải thay đổi lối sống: khiết tịnh trước hôn nhân và chung thủy trong hôn nhân". Với tình hình Việt Nam được xếp vào một trong ba nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, cảnh sống chung bừa bãi tại các thành phố lớn, nhiều người mang mầm bệnh vẫn hành nghề mại dâm để lấy tiền chữa bệnh… liệu trong 5-10 năm tới, một cơn đại dịch AIDS có hoành hành trên đất nước chúng ta, trong đó có nhiều ca nhiễm thụ động do chồng hay vợ mang về nhà hoặc do những dụng cụ y tế làm lây lan mầm bệnh?

Tiếng chuông báo tử mang một chiều kích cộng đồng và tương ái. Tiếng chuông báo tử về một lối sống buông thả - không được định hướng tốt và của một cơn đại dịch AIDS còn mang một chiều kích xã hội trầm trọng hơn nhiều, vì nó như những ngọn sóng âm thầm ngày đêm đánh đổ lương tâm của các thế hệ trẻ, tàn phá các gia đình và suy nhược biết bao tâm hồn – trong đó có thể là những người ruột thịt của chính bạn và tôi..

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây